
Ngày 3-11-2003, Công ty TNHH Tiến Thành khởi công xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn tại bãi Hoàng Roong, thôn Bản Tấn xã Hoàng Tung huyện Hòa An tỉnh Cao Bằng (gần quốc lộ 3), với tổng mức đầu tư khoảng 31.429 triệu đồng, dự kiến sang vụ sắn của năm 2004 - 2005 sẽ đi vào hoạt động.
Theo dự án, nhà máy sẽ tiêu thụ từ 60.000 - 72.000 tấn củ tươi/năm, sản phẩm tinh bột ước đạt khoảng 14.000 tấn/năm. “Cây sắn là cây lương thực gắn liền với đời sống của bà con nông dân miền núi, nên khi nghe tin sẽ xây dựng nhà máy chế biến tại đây ai cũng vui mừng”- ông Thẩm Văn Eng, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Cao Bằng cho biết.

Nơi dự kiến xây dựng nhà máy, 2 năm trôi qua mới chỉ xây dựng được vài cái cột bê tông.
Theo ông Hoàng Xuân Ánh, Chánh văn phòng UBND tỉnh, đây là doanh nghiệp đầu tiên ở tỉnh ngoài đến đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản nên tỉnh rất khuyến khích. Để tạo điều kiện cho nhà máy sớm ra đời, UBND tỉnh Cao Bằng đã xúc tiến việc cho thuê đất, xây dựng quy hoạch trồng vùng nguyên liệu cho nhà máy, bao gồm 9 huyện thị… với 73 xã, mục tiêu sẽ phát triển vùng nguyên liệu đến năm 2010 lên 3.300ha.
Theo quyết định số 96/QĐ-UB ký ngày 30-1-2004, tỉnh dùng vốn ngân sách cấp cho dự án phát triển vùng nguyên liệu sắn giống mới năm 2004, với diện tích 1.500ha, số tiền hỗ trợ hơn 1,49 tỷ đồng. Với hy vọng các đơn vị sẽ thực hiện hiệu quả nguồn vốn được giao. Tiền hỗ trợ có rồi, việc triển khai thực hiện trong nhân dân rất tốt. Nhưng…
Ông Hoàng Quốc Trung, trưởng thôn Bản Tấn, cho biết: Được tin nhà máy “về làng” các hộ dân ở đây vui lắm. Người của nhà máy còn hứa với dân sẽ thu mua vụ đầu tiên với giá 700đ/kg, cao hơn giá ngoài thị trường 200đ/kg, những năm sau sẽ thu mua theo giá cả trên thị trường Cao Bằng.
Với những gia đình có diện tích ruộng bị thu hồi lớn, nhà máy sẽ ưu tiên cho con em đi đào tạo vận hành máy, sau về làm công nhân. Dẫn chúng tôi ra khu đất dự kiến xây dựng nhà máy, một địa thế tương đối đẹp so với một tỉnh miền núi như Cao Bằng, ông Trung nói tiếp: “Hai năm đã trôi qua, nhà máy mới chỉ dựng được mấy cái cột bê tông, láng được một cái sân và xây được một cái bể nước”.
Chị Hoàng Thị Lan, cán bộ khuyến nông của xã Hoàng Tung huyện Hòa An, nói với chúng tôi: trước đồi rừng trồng bạch đàn, sau đó chặt đi trồng sắn với hy vọng trồng nguyên liệu cho nhà máy sẽ đem lại thu nhập ổn định cho gia đình. Bây giờ sắn đến mùa thu hoạch rồi mà vẫn không có người thu mua nên gia đình chị cũng như các hộ trong xã thuộc quy hoạch vùng dự án đã từ bỏ hy vọng trồng sắn nguyên liệu.
Được biết, tỉnh Cao Bằng đã có hướng thu hồi khu đất xây dựng nhà máy và bàn giao cho đơn vị khác. Hy vọng của người trồng sắn vào sự hợp tác làm ăn lâu dài với doanh nghiệp vẫn chỉ là… hy vọng.
PHẠM ĐỨC HẢI