Người viết thư thuê giữa Sài Gòn

Giữa cuộc sống vội vã của Sài Gòn, người đàn ông với mái tóc bạc phơ, đôi mắt mờ đục vẫn chậm rãi nắn nót từng con chữ trên lá thư tay viết thuê, một công việc tưởng chỉ còn trong ký ức...
Người viết thư thuê giữa Sài Gòn

Giữa cuộc sống vội vã của Sài Gòn, người đàn ông với mái tóc bạc phơ, đôi mắt mờ đục vẫn chậm rãi nắn nót từng con chữ trên lá thư tay viết thuê, một công việc tưởng chỉ còn trong ký ức...

Hơn 20 năm gắn bó với "nghề"

Không biết từ bao giờ, hình ảnh người đàn ông với dáng người nhỏ, mái tóc bạc trên vầng trán cương nghị ngồi lặng im ở góc phòng đã trở nên quen thuộc với những người ra vào tòa nhà Bưu điện Trung tâm Sài Gòn. Trên tay ông lúc nào cũng cầm chiếc kính lúp cặm cụi tra từ trong cuốn từ điển nhuốm màu thời gian, còn tay kia miệt mài gò từng con chữ trên trang giấy.

Người viết thư thuê giữa Sài Gòn ảnh 1

Ông Ngộ dịch thư cho khách...

Thỉnh thoảng ông ngước nhìn lên, ánh mắt xa xăm như đang lục tìm trong ký ức một hình ảnh thân quen nào đó. Người đàn ông đó là Dương Văn Ngộ (84 tuổi), một nhân viên cũ của Bưu điện Sài Gòn. Khi về hưu (1990), ông chuyển sang nghề dịch và viết thư thuê, không ai ngờ ông lại gắn bó với công việc “nhàm chán” đó từ đầu những năm 1990 cho đến nay.

Sinh năm 1930 tại Sài Gòn, 17 tuổi cậu thanh niên tên Ngộ vừa đi học, vừa làm thêm tại Bưu điện Sài Gòn. Năm 22 tuổi, ông trở thành nhân viên chính thức với tấm bằng Pháp văn. Trong quá trình làm việc, ông được cơ quan cho đi học tại Hội Việt Mỹ, nơi người thầy dạy tiếng Anh cho ông là một phi công người Mỹ. Hơn 40 năm gắn bó với công việc của nhân viên bưu điện, ông Ngộ xin về hưu khi tuổi già, sức yếu.

Người viết thư thuê giữa Sài Gòn ảnh 2

...và viết giùm một bức thư gửi đi nước ngoài

Trong suốt thời gian công tác, ngoài công việc chính của một nhân viên bưu điện, nhờ có kiến thức cùng chữ viết đẹp, ông Ngộ được nhiều người nhờ dịch và viết những lá thư tay để gửi cho người thân, bạn bè trong và ngoài nước.

Tiếng lành đồn xa, không chỉ người Việt mà nhiều du khách nước ngoài tìm đến ông nhờ viết hộ, có khi chỉ vài dòng sau một tấm postcard, nhưng có khi là một lá thư tình dài hàng trang giấy. Như một cái nghiệp, khi đã về hưu, công việc của một người viết thư thuê vẫn theo ông cho đến nay. 

Hơn 20 năm làm nghề, ông Ngộ luôn ghi nhớ nguyên tắc của một người viết thư thuê là chính xác, chuẩn mực và tuyệt đối giữ bí mật điều riêng tư cho khách hàng dù lạ hay quen. Ngoài chữ viết đẹp, ông còn khá am tường kỹ thuật viết đơn, thư bằng tiếng Anh và Pháp, cách dùng từ đúng, phù hợp từng thể loại: tình cảm, xã giao hay công việc… Nếu có từ nào chưa rõ, cuốn tự điển là người bạn đồng hành không thể thiếu của ông.

Ông Ngộ (mũi tên đỏ) khi còn thực tập tại Bưu điện Trung tâm Sài Gòn
Ông Ngộ (mũi tên đỏ) khi còn thực tập tại Bưu điện Trung tâm Sài Gòn

Chuyện đời, chuyện nghề

Ông kể: “Nhiều người nước ngoài đến đây nhờ tôi viết chuyện tiếu lâm, như họ mua một tấm bưu thiếp, nhờ viết vài câu bằng tiếng Việt để gửi về gia đình. Mấy cái đó tôi làm liền, chọc cười thiên hạ mà! Tiếng Việt của mình khó hơn tiếng ngoại quốc ở chỗ đại danh từ. Tùy người nhờ mình viết có những danh xưng khác nhau, như anh, tôi, em... nên mình phải hiểu rõ để diễn tả cho đúng. Thường những thư như vậy tôi không lấy tiền, vì nó quá dễ, giúp được họ tôi vui lắm! Đổi lại, tôi luôn nhận được các món quà dễ thương từ họ”.

Kỷ niệm trong thời gian viết thư thuê của ông nhiều không nhớ hết, nhưng có một chuyện ông không quên được là lần tranh cãi với một bà giáo viên người Pháp vì từ “merci beaucoup”. Theo ông, từ đó chỉ được sử dụng trong văn nói chứ không phải văn viết. Nhưng bà ấy nghĩ “merci beaucoup” là một từ quá thông dụng, có thể sử dụng. Ông đã phân tích cho bà ấy hiểu là chỉ có thể nói là “remercier” hay “je vous remercie” vừa đúng ngữ pháp vừa thể hiện sự trang trọng.

Người viết thư thuê giữa Sài Gòn ảnh 4

Ông Ngộ giao lưu với nghệ sĩ hài Hoài Linh

Mỗi ngày ông làm như vậy được khoảng 140.000-150.000 đồng, nhưng cũng có ngày chỉ được 30.000 đồng, thậm chí có khi chỉ 5.000 đồng, không đủ tiền ăn bánh mì. Ông nói: “Tôi không quan trọng về khoản thu nhập, điều làm tôi yêu cái nghề này chính là tìm thấy được niềm vui và ý nghĩa qua những kỷ vật, tình cảm của khách dành cho mình khi họ trở lại ghé thăm”.

Theo ông, hạnh phúc nhất là thỉnh thoảng nhận được thư cảm ơn từ một nơi bất kỳ trên thế giới với địa chỉ người nhận được ghi trang trọng là “Người viết thư thuê, Bưu điện Trung tâm Sài Gòn”.

Người viết thư thuê giữa Sài Gòn ảnh 5

Du khách nước ngoài tìm đến ông Ngộ không chỉ vì tò mò mà còn vì muốn được nghe ông kể những câu chuyện về Sài Gòn xưa

Không chỉ là một người viết thư thuê, ông Ngộ còn được xem như một hướng dẫn viên không thể tuyệt vời hơn cho du khách muốn tìm hiểu về Bưu điện Trung tâm Sài Gòn. Ông vui vẻ chỉ dẫn và giới thiệu cho du khách xem kiến trúc cổ của bưu điện ngày xưa. Những thắc mắc của du khách như tại sao tòa nhà lại có hình chữ T, tại sao các cột làm bằng thép hay mái vòm lại làm cao… đều được ông giải thích cặn kẽ và đầy say mê.

Đối với ông, tòa nhà này không chỉ là nơi làm việc mà còn như ngôi nhà thứ hai của ông, nên ông hiểu rõ nó như lòng bàn tay mình, bao lần quét vôi lại, bóng đèn nào đứt phải thay... ông đều nhớ rõ như in.

Hàng ngày, trong cuộc sống vội vã của Sài Gòn, trên chiếc xe đạp cũ kỹ như tuổi của mình, ông Ngộ chậm rãi thả suy nghĩ theo từng vòng xe đến ngôi nhà thứ hai để tiếp tục công việc yêu thích suốt mấy chục năm qua.

Dòng thời gian mãi trôi, mọi thứ rồi lùi dần vào dĩ vãng, nhưng có lẽ hình ảnh người đàn ông viết thư thuê, người được xem là “cầu nối yêu thương - cầu nối giữa quá khứ và hiện tại” ấy sẽ luôn là nét đẹp in dấu mãi trong ký ức người dân và du khách đến Sài Gòn.

Thủy Ngân - Thiên Trang

Tin cùng chuyên mục