Nguồn phóng xạ bị mất không gây nguy hiểm cho người

Đó là khẳng định của ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ KH-CN) với báo chí vào chiều 5-1, về nguồn phóng xạ bị mất ở Nhà máy xi măng Bắc Kạn.

(SGGP).- Đó là khẳng định của ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ KH-CN) với báo chí vào chiều 5-1, về nguồn phóng xạ bị mất ở Nhà máy xi măng Bắc Kạn.

Theo ông Tấn, sự cố mất nguồn phóng xạ được thông báo vào ngày 16-12-2015 và ngay sau đó, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã cử chuyên gia đem theo máy móc chuyên dụng lên trực tiếp hỗ trợ Sở KH-CN Bắc Kạn và những cơ quan chức năng thực hiện việc tìm kiếm. Nguồn phóng xạ này được Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cấp phép hoạt động vào năm 2010 cho Nhà máy xi măng Bắc Kạn và đến cuối năm 2013 thì giấy phép này hết hạn. Nguồn này dừng sử dụng, được bảo quản trong kho và theo điều tra bước đầu thì khả năng bị mất trộm trước đó, vì theo báo cáo của các cơ quan liên quan kho chứa hàng này đã từng bị trộm cắt khóa, đột nhập.

Cũng theo ông Vương Hữu Tấn, việc tìm lại nguồn phóng xạ này là rất khó, do không biết được thời điểm bị mất. Hiện nay các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục tìm kiếm trên địa bàn Bắc Kạn, nhưng khả năng tìm thấy là rất thấp. Theo ông Tấn, trên thế giới trong năm 2013 đã có 137 nguồn phóng xạ bị mất, nhưng sau đó chỉ tìm lại được 17 nguồn. Những nguồn phóng xạ bị mất kiểu này, cũng giống như ở Nhà máy xi măng Bắc Kạn là nguồn phóng xạ thấp, sử dụng trong các máy móc chuyên ngành, thiết bị công nghiệp.

Với nguồn vừa bị mất ở Bắc Kạn có ký hiệu Cs-137, kích thước bằng khoảng một hạt bắp, được để trong một hộp chì nặng gần 10kg, phía ngoài có hộp gỗ bảo vệ. Theo ông Tấn, kẻ trộm thấy kim loại nặng tưởng tài sản có giá trị nên lấy đi. Tuy nhiên nguồn phóng xạ này, khi còn mới có giá chỉ khoảng 6 triệu đồng. Việc đặt nguồn phóng xạ này trong bình chì nhằm đảm bảo không thể có phóng xạ ra môi trường, ảnh hưởng đến người xung quanh. Nhưng với nguồn Cs-137 vừa mất, mức phóng xạ rất thấp, dưới mức cho phép của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) rất nhiều lần, nên kể cả khi không có vỏ bọc chì, thì cũng không nguy hiểm cho tính mạng cũng như sức khỏe con người. Tuy nhiên, phóng xạ là thứ “hàng quốc cấm”, nên vẫn phải truy tìm bằng mọi cách, nhằm giảm thiểu những tác động không đáng có về mọi mặt.

TRẦN BÌNH 

Tin cùng chuyên mục