Chợ Phạm Văn Hai

Nguồn thực phẩm của Sài Gòn

Nguồn thực phẩm của Sài Gòn

Từ một khu đất chết (nghĩa trang), ngày nay chợ đầu mối Phạm Văn Hai còn có phần... lừng lẫy hơn cả khu chợ thịt cầy và bê thui Ông Tạ khiến bà con tiểu thương, BQL và chính quyền địa phương quận Tân Bình rất đỗi tự hào.

Nguồn thực phẩm của Sài Gòn ảnh 1

Chợ Phạm Văn Hai tiêu thụ 5.000 con heo/ngày. Ảnh: CAO THĂNG.

Có lẽ ít ai ngờ tiền thân của chợ Phạm Văn Hai là một khu nghĩa trang thâm u. Năm 1987, khi nhu cầu mua bán của khu chợ Ông Tạ - vốn trải suốt con đường Phạm Văn Hai - cùng hai chợ “chồm hổm” thuộc phường 2 và phường 5, Tân Bình (chợ Lăng Cha Cả cũ) ngày một tấp nập, chính quyền địa phương đã quyết định bốc dỡ và di dời toàn bộ nghĩa trang, xây lên khu chợ rộng trên 1 ha (11.288m2) gồm 1 trệt 2 lầu, không kể các dãy nhà phố buôn bán sầm uất bao quanh. Chợ Phạm Văn Hai khai trương vào tháng 4-1988 và đưa vào hoạt động từ tháng 1-1989.

“Thời gian đầu chợ rất vắng vì bà con... sợ ma, không chịu mua bán trong khu vực chợ mà chỉ thích bưng hàng ra lề đường bán” - bà Đoàn Thị Hiền, phó Ban quản lý (BQL), người “bám” chợ từ những ngày đầu thành lập kể.

“Đến năm 1992 chợ vẫn còn vắng lắm, bà con tiểu thương dọn hàng xong ngồi... ngủ là chính, trong khi chợ Ông Tạ cạnh đấy - lừng lẫy với đặc sản thịt cầy - ngày một tấp nập, kéo theo tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên khiến chính quyền địa phương khu vực này rất đau đầu” - anh Huỳnh Ngọc Lai, đội trưởng Đội bảo vệ chợ, nhớ lại.

Trước tình hình trên, BQL quyết định bố trí lại chợ, đập bớt nhiều quầy, sạp, phá bỏ kiểu “độc đạo” từ đầu đến cuối chợ, tạo thông thoáng, mỹ quan và an toàn cho bà con tiểu thương cùng người đi chợ. Chợ lại có thế mạnh là mua bán thịt gia cầm rất tươi ngon, các mặt hàng khác như trái cây, hải sản, vải vóc, quần áo may sẵn, đặc biệt là sản vật xứ Bắc... hầu hết đảm bảo chất lượng và giá cả phải chăng nên dần dà thu hút được khách hàng không chỉ khu vực Tân Bình mà “tiếng thơm” còn được những người sành chợ đồn đãi khắp thành phố.

Không giống nhiều chợ khác trong thành phố thường họp từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều, chợ thực phẩm tươi sống Phạm Văn Hai từ 2 - 3 giờ khuya đã xôn xao bốc dỡ, dọn hàng. Đến khoảng 4 - 5 giờ, chợ đã tấp nập người mua kẻ bán, khoảng 7 giờ thường tiểu thương các quầy thịt đã dọn dẹp, nhường chỗ cho các ngành hàng khác tất tả dọn ra, chuẩn bị một ngày chợ mới.

“Năm 2000, mỗi ngày chợ tiêu thụ từ 800 - 1.000 con heo thịt, những ngày giáp Tết (27, 28, 29 Âm lịch) tăng vọt lên 3.000 con/ngày. Thế nhưng đến nay, số lượng heo tiêu thụ đã lên đến 5.000 con/ngày thường. Cùng với chợ An Lạc - Bình Chánh, có thể nói chợ Phạm Văn Hai là nơi cung cấp thịt heo chủ yếu cho cả TPHCM” - ông Nguyễn Xuân Trang, Trưởng BQL chợ Phạm Văn Hai, cho biết.

Được biết, hiện chợ có gần 1.600 sạp và ki-ốt với khoảng 800 hộ kinh doanh cố định và trên 1.000 hộ kinh doanh không cố định. Đến chợ Phạm Văn Hai hiện nay, người đi chợ rất hài lòng vì lối đi thông thoáng, nhân viên bảo vệ trực 24/24, có mặt khắp nơi, trang bị bộ đàm, sẵn sàng “trực chiến” giải quyết mọi tình huống.

“Ngoài hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) chung tỏa khắp 4 khu A,B,C,D của nhà lồng chợ, BQL còn bắt buộc bà con tiểu thương tự trang bị mỗi sạp 1 bình chữa cháy và thường xuyên tập dượt, thao tác, thực hành PCCC, bảo vệ tài sản cho bà con, cũng là tài sản của quận, của Nhà nước” - ông Trang cho biết thêm.

NHÃ VĂN

Tin cùng chuyên mục