
Những người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) thường được báo đài nói đến nhiều về thực trạng bị lừa đảo, bóc lột và ngược đãi mà họ hứng chịu ở xứ người. Nhưng đằng sau thực trạng đau lòng đó là những đóng góp to lớn của họ vào công cuộc phát triển của kinh tế đất nước từ nguồn ngoại tệ họ chuyển về quê nhà.
Thống kê của các tổ chức tài chính quốc tế cho biết, lượng tiền chuyển về quê hàng năm từ lực lượng XKLĐ là nguồn vốn phát triển lớn thứ hai của nhiều nước đang phát triển, sau nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), và vượt xa các dòng vốn kinh doanh và vốn viện trợ phát triển chính thức. Lượng tiền này trong năm qua, theo Ngân hàng Thế giới (WB), ước khoảng 72,3 tỷ USD, chiếm 1,3% GDP toàn cầu.

Người Ấn Độ - nguồn nhân lực quan trọng tại thung lũng Silicon (Mỹ).
Nhưng con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều. Quỹ Đầu tư Đa phương (MIF) thuộc Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IADB) cho biết, chỉ riêng số tiền các lao động từ Mỹ chuyển về quê ở châu Mỹ La tinh đã là 32 tỷ USD; còn theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), số tương ứng ở khu vực châu Á Thái Bình Dương là 27 tỷ USD.
Mỹ là nước đứng đầu thế giới về tiếp nhận lao động xuất khẩu của các nước với số tiền bình quân mà những lao động này gửi về quê hàng năm qua kênh chính thức là 28,4 tỷ USD. Xếp thứ hai là Saudi Arabia với 15,1 tỷ USD. Nếu tính theo tỷ lệ GDP thì nước Cộng hòa Tonga ở Nam Thái Bình Dương là quốc gia nhận tiền XKLĐ từ những công dân đi lao động ở nước ngoài của mình gửi về quê lớn nhất thế giới, chiếm tỷ trọng 37,3% GDP, trong khi dân số nước này chỉ có 135.000 người.
Philippines cũng là nước XKLĐ hàng đầu thế giới, với 7 triệu người, chiếm 8,5% dân số (83 triệu). Năm 2002, các lao động xuất khẩu của nước này đã gửi về nước 6,4 tỷ USD, bằng 8,9% GDP. Nhưng tính theo số lượng gộp thì Ấn Độ mới là quốc gia đứng đầu về lĩnh vực này. Năm ngoái, những Ấn kiều từ Mỹ và nhiều nước phát triển khác gửi về quê hơn 10 tỷ USD, chiếm 62,5% lượng tiền từ lao động xuất khẩu gửi về khu vực Nam Á. Ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Philippines chiếm 58%.
Trong thực tế, thật khó có được con số chính xác, bởi việc chuyển tiền về quê được thực hiện thông qua nhiều kênh, ngoài kênh chính thức còn có cả mạng lưới chuyển tiền bán chính thức và những đường dây chuyển tiền chui, hoạt động bí mật nhằm tránh đóng thuế.
Đơn cử như trường hợp Pakistan, con số thực tế, theo Bộ trưởng Tài chính Pakistan Shaukat Aziz, mà những người đi lao động xuất khẩu gửi về lên đến 6 tỷ USD, bao gồm 1,2 tỷ thông qua kênh chính thức, số còn lại (gấp 4 lần) chuyển bằng mạng lưới chui và lậu, trong đó Ngân hàng Nhà nước chỉ thu được có 1,8 tỷ USD.

Một bảng quảng cáo cho thuê lao động nước ngoài.
Đã có nhiều “câu chuyện đổi đời” kể về những gia đình có thân nhân đi LĐXK gửi tiền về, bởi vì mức thu nhập của người XKLĐ tuy không phải là cao so với mặt bằng thu nhập của nước sở tại, nhưng ở quê nhà họ thì đấy là những khoản tiền kếch sù, có thể giúp cả nhà không chỉ sống khỏe mà còn phát triển làm ăn khấm khá.
Những đồng tiền ấy được đầu tư vào nền kinh tế trong nước bằng nhiều cách. Những lao động trí thức, có kỹ thuật cao thì sau nhiều năm làm thuê ở xứ người về quê đã bỏ vốn mở hẳn một công ty chuyên doanh chính ngành nghề mà mình đã làm ở nước ngoài. Hoặc chí ít họ cũng đầu tư một cách nhất định vào guồng máy kinh tế chung.
Bằng cách đó, không chỉ làm tăng ngân sách từ tiền thuế và tăng lượng ngoại tệ dự trữ cho hệ thống tài chính của nhà nước, những người XKLĐ còn góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế nước nhà phát triển. Ấn Độ trong mấy năm gần đây đã là điển hình đáng học hỏi vì CNTT nước này đã vươn lên hàng đầu châu Á nhờ lực lượng LĐXK làm việc ở Thung lũng Silicon của Mỹ.
Bên cạnh những điều lợi, XKLĐ cũng không tránh khỏi những hệ lụy gây ra cho nguồn nhân lực của đất nước. Điều mà báo đài nhiều nước đã từng nói đến không ít lần là việc chảy máu chất xám do việc xuất khẩu lao động có tay nghề, có trình độ kỹ thuật cao, dẫn đến những “khoảng trống” về nhân lực trong nước.
Như Philippines, hệ thống các trường đại học và cao đẳng nước này đã đào tạo rất nhiều chuyên viên y tá và bác sĩ, nhưng đất nước 7.000 hòn đảo này đang phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng thiếu nhân viên y tế vì XKLĐ. Những y tá trong nước thu nhập 150-250 USD một tháng nhưng sang Mỹ họ có thể kiếm được 3.000-4.000 USD, thế là họ ồ ạt ra đi.
XKLĐ cũng tạo nên sự lãng phí nhân lực có trình độ cao. Một thống kê mới đây của các tổ chức nghiên cứu nguồn nhân lực khu vực châu Á cho thấy, chỉ có 4,4% người học vấn cao khi XKLĐ được làm việc đúng trình độ của mình. Số còn lại lãng phí năng lực của mình vào những công việc lao động phổ thông (như giúp việc nhà...) hoặc những công việc không đúng trình độ do yêu cầu sử dụng ở nước sở tại hoặc do nhu cầu thu nhập.
Một biện pháp mà nhiều tổ chức tư vấn quốc tế hay đề cập là: nên chăng, các nước đang phát triển cần có một chính sách đãi ngộ thỏa đáng hơn, nâng cao phần nào mức thu nhập của người có trình độ cao để giữ chân họ lại phục vụ cho đất nước.
(Theo Asia Times)
TRƯƠNG HÙNG