Tản văn: Chuyện về truyện

“Ngưu Lang - Chức Nữ”

“Ngưu Lang - Chức Nữ”

“Ngưu Lang - Chức Nữ” ảnh 1

Minh họa: P.S

* Chuyện xưa kể rằng:  “Ngày xưa, ở trên trời có nàng tiên Chức Nữ. Trong chuyến hạ phàm xem cảnh nhân gian, gặp một chàng trai tên là Ngưu Lang. Hai người hợp ý bén duyên, yêu nhau thắm thiết. Chuyện đến tai Ngọc Hoàng đại đế. Mối tình này vượt khỏi luật trời. Từ khi có trời và đất. Sự phân chia rõ ràng. Trời trên cao. Đất ở thấp. Cao, thấp không thể hợp nhất, giao hòa.

Bởi vậy, Ngọc Hoàng giận lắm, sai thiên binh, thiên tướng bắt Chức Nữ về trời. Sức mạnh của trời không gì ngăn cản được. Chức Nữ về trời, nhớ thương Ngưu Lang, khóc lóc thảm thiết. Nước mắt của Chức Nữ gây ra mưa dầm tháng bảy. Mưa gió sụt sùi. Gió mưa rả rích. Nối ngày qua đêm, tưởng như không dứt. Ở dưới trần gian, chàng Ngưu Lang cũng thương nhớ Chức Nữ không nguôi. Mưa càng nhiều, càng thương càng nhớ. Chàng Ngưu quyết chí lên trời để gặp Chức Nữ. Chàng chặt tre làm thang, tìm đường lên trời. Ngày quên ăn, đêm quên ngủ. Thang có dài đến mấy cũng không thể bắt tới cổng trời.

Biết vậy, nhưng chàng vẫn làm. Tình yêu của chàng khiến vạn vật, muôn loài động lòng thương xót. Hàng vạn chim ô thước nối nhau làm thành một cây cầu đưa chàng Ngưu lên trời. Ngọc Hoàng đại đế cũng cảm thương, cho phép Chức Nữ gặp mặt Ngưu Lang mỗi năm một lần. Họ gặp nhau trên cây cầu do đàn chim ô thước nối nhau mà thành. Sức nặng của hai người chim không chịu được lâu. Hai người gặp nhau, mừng chưa kịp tỏ đã phải nghẹn ngào chia xa. Cười đấy, khóc đấy. Bởi vậy, mỗi năm, cứ đến dịp tháng bảy trời mưa rả rích. Ấy là lúc Chức Nữ khóc than. Gặp khi đang mưa chợt nắng, rồi lại mưa. Ấy là khi chàng Ngưu được gặp Chức Nữ. Thương quá đi thôi!”.

* Thêm một chuyện thời nay kể: “Chức Nữ là người nhà trời. Sắc đẹp tuyệt trần. Người ta ví đẹp như tiên là vậy. Gặp ngày hè nóng nực, tiên trên trời rủ nhau xuống hạ giới tắm. Nơi họ xuống tắm là một cái hồ nước trong văn vắt, nhìn thấy tận đáy, cây lá xanh tươi, hoa thơm ngạt ngào. Bên hồ có một chàng trai trẻ, tên là Ngưu Lang chăm chỉ cấy cày. Chàng Ngưu cao ráo, mặt mũi khôi ngô, cơ thể cường tráng, trí tuệ thông minh. Hai người gặp nhau, tình cảm phát sinh, tràn trề mãnh liệt. Họ yêu thương nhau, quấn quýt bên nhau, thề thốt không rời xa nhau. Nhưng tình yêu của họ không thuận luật trời.

Luật trời quy định, trời đất phân chia rõ ràng. Người nhà trời không được phép sống chung với người dưới đất. Chức Nữ bị bắt trở về trời. Từ đó, Chức Nữ ở trên trời, Ngưu Lang dưới đất. Người xa nhau, tình cộng lại. Vô cùng khốc liệt. Trên trời cao, Chức Nữ nhìn xuống. Thấy đất xa mịt mờ. Khóc than thảm thiết. Dưới mặt đất, chàng Ngưu ngửa cổ nhìn lên. Thấy trời cao thăm thẳm vô cùng. Than khóc cũng chẳng ích chi, chàng quyết chí lên trời để tìm Chức Nữ. Chàng đi mãi, đi mãi, lên núi cao nhất vẫn thấy trời cao vời vợi. Có người bảo: - Đi trên đất cũng chỉ gặp đất, tới đất mà thôi. Muốn lên trời phải có cánh bay.

Như người ta nói, tình yêu là sức mạnh. Chàng Ngưu quyết tâm, tận lực, tận trí làm ra một đôi cánh. Chàng bay lên trời. Bay được nửa đường thì cánh gãy. May nhờ có bầy chim ô thước cứu giúp. Bầy chim nghĩa hiệp này cảm động trước tình yêu bao trùm trời đất của chàng, nguyện làm cây cầu nối trời và đất để chàng đến gặp người yêu. Mỗi năm chỉ có một lần. Thời gian gặp nhau chỉ được phép nhìn rõ mặt nhau, nắm tay nhau trong phút chốc. “Cõng trên lưng hai người nặng lắm, sức tụi tôi chịu không lâu được”. Bầy chim trần tình. Chàng Ngưu và Chức Nữ mừng lắm. Có còn hơn không. Thời điểm gặp nhau vào dịp tháng bảy. Lúc đó, trời đất ảm đạm, mưa gió dầm dề, cảnh buồn, người buồn đau càng thêm đau buồn. Có người chịu không nổi đã tự vẫn. Rất là đau xót! Chọn thời điểm ấy để gặp nhau là tốt nhất. Giống như gần chết đói, được ăn bát cháo cầm hơi...

Từ đó trở đi, mỗi năm, trong thời gian tháng bảy (Âm lịch) bầy chim ô thước dù ở đâu đâu trong trời đất mênh mông cũng kéo nhau về làm cầu đưa chàng Ngưu lên trời gặp Chức Nữ. Họ gặp nhau, nắm tay nhau, cười một tiếng, khóc hai tiếng đã phải nhanh chóng rời xa. Buồn thay!

* Lại thêm một chuyện kể: “Chức Nữ là tiên trên trời. Ngưu Lang là nông dân dưới đất. Bởi duyên kỳ ngộ, hai người gặp nhau, yêu thương nhau thắm thiết, cưới nhau có hôn thú, có tiệc mừng. Rất là rầm rộ. Trời không chấp nhận chuyện hôn nhân trời - đất này. Bắt giam Chức Nữ trong cung cấm. Ngưu Lang không cam chịu, lãnh đạo nông dân và các muông thú, phát động chiến tranh tấn công trời đòi vợ. Ngưu Lang chế tạo máy bay, tên lửa tầm xa liên tục tấn công trời. Trời giáng trả bằng những thứ vũ khí El Nino, La Nina với sấm sét dữ dội, bão sa mạc, bão cấp 12 và trên cấp 12, sóng thần, hạn hán và lũ lụt triền miên.

Hai bên đều phải gánh chịu thiệt hại nặng nề. Để tránh tên lửa, bom hạt nhân, trời phải dời thiên đình lên cao đến vùng giá lạnh âm 200 độ. Với thời tiết ấy các tiên khó có thể trường sinh bất tử. Thiên đình ngày càng ảm đạm, lạnh lẽo. Dưới đất, chàng Ngưu và đồng đội cũng khốn khổ không kém. Hậu quả của bão, lụt, hạn hán hết sức nặng nề. Cuối cùng, hai bên đều chấp nhận gặp nhau để giải quyết trong hòa bình. Qua nhiều vòng, nhiều cấp đàm phán, tranh cãi kịch liệt, hai bên ký thỏa ước hòa bình. Theo đó, phía Ngưu Lang không được tấn công trời nữa, cắt giảm các vũ khí hạt nhân, giảm lượng khí thải gây ô nhiễm. Phía nhà trời công nhận cuộc hôn nhân Chức Nữ - Ngưu Lang là hợp pháp và chấp thuận để vợ chồng họ mỗi năm chỉ được gặp nhau một lần. Địa điểm gặp nhau ở khu phi quân sự, một vùng đệm giữa trời và đất. Thời gian gặp nhau vào tháng bảy (Âm lịch) hàng năm. Từ đó về sau, cứ đến tháng bảy, chàng Ngưu đáp máy bay bay, Chức Nữ cưỡi mây đến vùng đệm để hàn huyên tâm sự. Có năm vui thì nhảy đầm, ca hát vui đùa. Năm buồn thì khóc than sướt mướt. Thời tiết tháng bảy dưới nhân gian cũng theo đó mà thành. Có năm trời xanh, gió mát. Có năm mưa bão sụt sùi, không biết đâu mà lường.

* Ngưu Lang – Chức Nữ là một truyện tình yêu cảm động. Bởi tình yêu lứa đôi là thuộc tính của con người. Những chuyện về tình yêu luôn được mọi người đón nhận nồng nhiệt. Giá trị vượt thời gian, thiên thu vạn đại của chuyện tình Ngưu Lang – Chức Nữ là ở lòng chung thủy và tính hành động. Trong hoàn cảnh trời đất xa nhau giống như âm dương cách biệt họ không cam chịu cảnh chia lìa than khóc cho nhau, vẫn nỗ lực hết mình để gặp nhau nối lại duyên xưa. Và họ đã làm được, tuy không trọn vẹn. Rõ ràng, ở chuyện tình này, giá trị “tiên yêu người phàm”, “chung thủy chờ đợi” xếp sau giá trị hành động. Song, kết quả của hành động không làm người ta hài lòng, day dứt mãi không thôi...

Đến thời kỳ kỹ thuật số chinh phục vũ trụ, cắc cớ gì đâu, có một nhà báo muốn đi tận cùng của vấn đề, không chấp nhận cái kết thỏa hiệp nửa vời nên đã bám theo tàu vũ trụ tiếp cận được với trời, chất vấn trời về chuyện chia rẽ đôi uyên ương Ngưu Lang – Chức Nữ. Trời cười bảo: “Họ lấy nhau theo kiểu trần gian thế quái nào được. Ở trên trời, tiên luôn trẻ đẹp. Vĩnh viễn trẻ đẹp. Không sinh đẻ, không chết. Nếu xuống hạ giới phàm trần các ngươi, chỉ một năm thôi, Chức Nữ thành bà già 360 tuổi. Các ông tưởng tượng xem, một chàng trai vạm vỡ có thể sống hạnh phúc vợ chồng với bà già trăm tuổi không?”.

Trời có vẻ ưu tư, trầm lắng, nói lời tâm sự: “Thực ra, tụi tôi đâu có muốn cảnh chia lìa lứa đôi. Từ xa xưa chúng tôi đã nêu ra giải pháp Ngưu Lang phấn đấu để trở thành người trời, lên trời định cư. Đã lên trời rồi, cuộc hôn nhân Ngưu Lang – Chức Nữ đương nhiên là thành, là trọn vẹn. Anh ta không chịu làm dân của trời, chỉ tìm cách lên trời đòi đưa Chức Nữ xuống đất. Ta biết quá rõ cuộc sống dưới đất của các ngươi. Đàn ông, đàn bà các ngươi lo giữ quyền lực, giữ tiền bạc, danh vọng hơn là giữ hôn nhân tình yêu. Thiếu gì đôi vợ chồng mới lấy nhau chưa được năm đã ly dị, đã đánh lộn gây thương tích cho nhau. Ta nói thật, thời buổi hiện nay ở dưới mặt đất các ngươi, hôn nhân là thứ thiếu bền vững nhất”.

Cuối cùng trời phán: “Đoạn kết của Ngưu Lang – Chức Nữ thế là được rồi. Ta nên chấp nhận kết quả tinh thần. Các ngươi đừng có tôn sùng giá trị vật chất thái quá”. Trời tiễn nhà báo về đất, cười cười nói thêm: “Nếu các ngươi muốn có một kết thúc vật chất trọn vẹn, các ngươi bảo Ngưu Lang lấy vợ đi. Khi đó, các ngươi sẽ không có tháng bảy mưa ngâu, không có cầu ô thước. Nhưng ta cảnh báo trước, Chức Nữ tuy là tiên nhưng vẫn là đàn bà. Một khi đàn bà không khóc than nữa, sẽ là gì, các ngươi biết rõ hậu quả... Tốt nhất, theo ta, các ngươi cứ chấp nhận chuyện tình này ở dạng nguyên thủy. Lửng lơ nó có cái hay của lửng lơ...”.

Nhà báo tìm gặp Ngưu Lang để phỏng vấn. Thời buổi thông tin đa chiều, bạn đọc không chấp nhận lý giải từ một phía nhà trời. Ngưu Lang cao lớn vạm vỡ, vẫn là một dạng lực điền. Thay vì chăn trâu, chàng tu sửa máy cày hiện đại. Nhà báo bật máy ghi âm, hỏi: “Xin anh cho biết cảm nghĩ về mối tình của anh với Chức Nữ”. Chàng Ngưu nổi cơn thịnh nộ, vung mỏ lết bằng thép nguyên chất, hét to: “Đây là chuyện riêng tư. Hỏi, hỏi cái con khỉ”. Nhà báo vốn dĩ có dư thừa can đảm, dũng khí, cãi lại: - Nhưng đây là vấn đề lịch sử, vấn đề nhân quyền.

Chàng Ngưu thay mỏ lết bằng búa tạ, lạnh lẽo bảo: - Không có lịch sử, nhân quyền gì hết. Đây là chuyện tình yêu. Chuyện tình nào cũng có cái sướng, cái khổ, tò mò làm gì... Biến ngay!

Nhà báo hãi cái búa tạ, vội vã rút êm, dù vẫn thắc mắc vì sao Ngưu Lang không phấn đấu làm công dân nhà trời để sống trọn vẹn với Chức Nữ... Tháng bảy vẫn có mưa, nhiều ít gì cũng mưa...

Trần Văn

Tin cùng chuyên mục