(SGGP).- Tại diễn đàn “Môi trường và nguồn sống trên sông Mêkông”, diễn ra vào ngày 3-2 tại Trường Đại học Cần Thơ, TS Carl Middleton, Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (Hoa Kỳ), nhận định: “Việc xây dựng các đập trên sông Mêkông sẽ làm mất đi 700.000 - 1,6 triệu tấn thủy sản/năm” (Trong 3 ngày 1, 2, 3-2, Báo SGGP đã đăng loạt bài “Dòng sông Mẹ sẽ ra sao ngày sau?”, phản ánh thực trạng và những dự báo tương lai đang đe dọa hàng chục triệu cư dân từng sống thác với sông này).
Trên thế giới, sông Mêkông chỉ đứng sau sông Amazon về sự đa dạng hệ sinh thái. Ước có gần 1.500 loài cá, trong đó có 120 loài mang giá trị thương phẩm cao và 60 triệu người sinh sống nhờ vào sông Mêkông. Hàng năm, khoảng 2,6 triệu tấn cá được khai thác ở hạ lưu, đem lại khoảng 2 tỷ USD, góp phần đáng kể vào GDP của Lào (8%), Campuchia (16%)… Thủy sản là nguồn thu nhập quan trọng cho cộng đồng ngư dân bên bờ sông. Trong khu vực thác Falls của Nam Lào, có đến 65.000 gia đình đánh bắt cá dọc theo sông Mêkông. Mỗi năm, khai thác gần 4.000 tấn cá, thu về 450.000 - 1 triệu USD.
Tại ĐBSCL, lượng thủy sản khai thác từ sông Mêkông cung cấp cho cả nước chiếm 48%… Theo Tổ chức Nông-Lương của Liên hiệp quốc (FAO), một người sống ở vùng hạ lưu sông Mêkông tiêu thụ gần 60 kg cá/năm, gấp 18 lần so với người dân châu Âu và Mỹ. Các loài thủy sản còn cung cấp nhiều đạm, chống suy dinh dưỡng cho người dân sống ở khu vực này. Tuy nhiên, việc xây đập thủy điện sẽ làm thay đổi dòng chảy, tập quán sinh sản của cá. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về đất ngập nước, cho rằng: “Trong mùa khô, cá di cư ngược dòng lên Biển Hồ để sinh sản. Mùa mưa, trứng cá và ấu trùng theo dòng nước trôi về hạ lưu. Việc xây dựng các con đập ngăn cản sự di chuyển này”.
Thông tin của Tổ chức Các dòng sông thế giới cho biết: hạ lưu sông Mêkông hiện có 9 đập thủy điện đang được nghiên cứu và 2 đập trong quá trình thiết kế chi tiết. Hậu quả của việc xây đập không chỉ tác động đến hệ sinh thái, chặn đường di cư của cá mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng an ninh lương thực quốc gia, đặc biệt là người nghèo sống quanh khu vực sông Mêkông.
Sông Mêkông chảy qua ĐBSCL với chiều dài khoảng 225km. Từ 2 - 3km có 1 con kênh cung cấp nước cho tưới tiêu và sinh hoạt. Sự phát triển của nền nông nghiệp ĐBSCL phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước sông Mêkông. Hiện nay, bình quân 1 ha đất trồng lúa ở ĐBSCL “ngốn” đến hơn 20.000 m3 nước/vụ. ĐBSCL hiện xuống giống 3,8 triệu ha/năm, tức cần hơn 76 tỷ m3 nước/năm…
Theo TS Chu Thái Hoành, cán bộ Viện Nghiên cứu tài nguyên nước quốc tế (IWMI), những đập thủy điện ở thượng nguồn đã và đang xây dựng sẽ giữ đến 16% trong tổng lưu lượng nước 475 tỷ m3/năm, ảnh hưởng 50% tổng lượng nước sông Mêkông. Thay đổi dòng chảy và lượng phù sa ở ĐBSCL là điều chắc chắn sẽ diễn ra. Các nước Thái Lan, Lào và Campuchia cũng đang tìm mọi nỗ lực để lấy nước từ sông Mêkông nhằm phát triển nông nghiệp với tổng diện tích dự kiến tăng đến hơn 1,8 triệu ha.
TS Lê Anh Tuấn (Trường Đại học Cần Thơ) nhận định: ĐBSCL sẽ chịu “một cổ 2 tròng” từ các con đập và biến đổi khí hậu. Lũ thất thường, hạn hán đe dọa, nông dân sẽ phải chi trả tiền nhiều hơn cho việc tưới tiêu. Do vậy, “chén cơm” của cả nước sẽ đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn, nhiễm phèn, đất bị ô nhiễm do khu công nghiệp, khu dân cư… Phù sa giảm và mức độ tẩy rửa đất ít đi trong mùa mưa do lượng nước ngọt ít, khiến đất giảm màu mỡ và năng suất canh tác của vùng ĐBSCL sẽ giảm.
LÊ CHINH
Tin bài liên quan
>>> Dòng sông Mẹ sẽ ra sao ngày sau?. Bài 3: Hành động để dòng sông được chảy tự do
>>> Dòng sông Mẹ sẽ ra sao ngày sau?. Bài 2: Dự báo thảm họa đã thành hiện thực
>>> Dòng sông Mẹ sẽ ra sao ngày sau?. Bài 1: Các đập thủy điện đang giết dần Mekong