Nguy cơ sông nuốt nhà

Trong khi mọi người, mọi nhà đang lo việc chuẩn bị tết, tại một số điểm dân cư bên các dòng sông ở Nghệ An người dân vẫn đang nơm nớp lo sông “ăn” đất, “nuốt” nhà...

Chòm dân cư Thanh Thủy (xóm 16, xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên) nằm bên dòng sông Lam hiện không còn “hình hài” nguyên vẹn. Sông đã “liếm” vào đến chòm xóm khiến đường đi, cây cối, hàng rào... trước nhà đã bị cuốn mất. 3 hộ dân bỗng chốc bị đặt vào tình trạng hiểm nguy, đó là hộ gia đình anh Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Đình Trọng và Lưu Xuân Cừ. 10 hộ còn lại của chòm xóm cũng nằm trong diện sẽ phải di dời.

Anh Hải cho biết, nơi gia đình anh đang ở là đất của ông nội khai khẩn từ năm 1945 để lại. “Qua bao năm như vậy nhưng không hề thấy sông lấn vô làng đáng sợ như hiện nay. Mỗi lần nước thượng nguồn đổ về, gió Nam nổi lên là sóng “táp” bờ, đất ụp xuống nghe rất ghê” - anh Hải lo lắng.

Trong khi đó, tại xã Thọ Hợp (huyện Quỳ Hợp) đã có 5 ngôi nhà bị đổ ụp xuống sông, nhiều ngôi nhà khác đang đứng trước nguy cơ tương tự. Bà Cao Thị Cảnh (58 tuổi, xóm Sơn Tiến) kể: “Trước đây, sông Dinh chảy qua trước nhà tui hiền hòa lắm, nhưng không hiểu răng mấy năm ni lại trở nên hung dữ khó hiểu. Mỗi trận lụt nhìn nước cuộn về mà khiếp sợ. Khoảng 5 năm trước, vườn nhà tui nằm sâu bên trong so với bờ sông, còn giờ thì nước cuốn đến chân rồi”.

Mảnh vườn nhà bà Cảnh trước đây có diện tích 5 sào, cách sông trên 100m. Nhưng bây giờ sông đã “ăn” vào sát nơi, chỉ còn cách nhà cỡ vài chục mét. Gần đó, nhà ông Cao Văn Trọng cũng đang bị sông “đuổi”. Không có đất mới để chuyển nhà đến, gia đình ông phải dời nhà vào tận ranh giới đất của mình với hàng xóm. Thế nhưng đến nay, sông đã bắt đầu “ăn” hết phần móng nhà cũ và đang đe dọa căn nhà mới xây.

Theo báo cáo của UBND xã Thọ Hợp, từ năm 2007 đến nay, ngoài 5 nhà dân bị sông Dinh “nuốt chửng”, sông còn xóa sổ 20ha đất canh tác của xã. Chủ tịch UBND xã Thọ Hợp Nguyễn Văn Trung, cho biết, hiện có 9 hộ dân ở xóm Sơn Tiến đang đứng trước nguy cơ bị trôi nhà. Xã đã báo cáo lên huyện và đang chờ huyện có phương án di dời dân. Tuy nhiên, di dời dân cũng chỉ là giải pháp tạm thời, vì nếu không xây kè chắn sóng thì không thể ngăn được hiện tượng sạt lở và việc sông “ăn” tiếp vào thôn, xóm đang và sẽ xảy ra.

“Nếu xây bờ kè để giữ đất phải mất 8-9 tỷ đồng. Đây là số tiền quá lớn, xã không thể lo nổi. Chúng tôi đã báo cáo và xin ý kiến huyện, huyện chỉ đạo lấy nguồn từ Chương trình Nông thôn mới, nhưng nguồn này cũng đang phải chờ và chưa biết khi nào sẽ có” - Chủ tịch xã Nguyễn Văn Trung cho biết. 

DUY CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục