Thực tế cho thấy, một bộ phận người tiêu dùng đang có xu hướng chọn thực phẩm “nhà làm” để tìm sự an tâm. Mô hình kinh doanh này chủ yếu là tin tưởng nhau. Bên bán không đưa ra được chứng nhận nguyên liệu hay chứng nhận sản xuất (vì số lượng không lớn); bên mua sau một vài lần sử dụng (bắt nguồn từ người thân quen giới thiệu) cũng lựa chọn vì tin tưởng. Tuy nhiên, thực phẩm cho dù được sản xuất bằng hình thức nào đi nữa thì trước tiên phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nghĩa là sản phẩm phải có đầy đủ các thông tin về nguồn gốc, xuất xứ; thông tin nhà sản xuất, địa chỉ; ngày sản xuất và hạn sử dụng. Ngoài ra, sản phẩm phải bảo đảm giữ chất dinh dưỡng, không bị ô nhiễm từ các tác nhân sinh học, không bị nhiễm hóa chất, không gây ngộ độc, được chế biến bảo đảm vệ sinh, không nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Trong khi đó, vì nhiều nguyên do mà thực phẩm “nhà làm” khó có thể đáp ứng được các tiêu chí như trên. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều loại thực phẩm “nhà làm” tiềm ẩn nguy cơ đối với người tiêu dùng.
Theo cơ quan chức năng, hầu hết các cơ sở, hộ gia đình, cá nhân sản xuất thực phẩm tết đều chế biến tự phát. Do đó, nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, phụ gia, phương tiện chế biến, bảo quản không được kiểm soát; bao bì sử dụng có thể được mua trôi nổi trên thị trường là loại giấy, nhựa tái chế, không rõ xuất xứ, không được các cơ quan chức năng thẩm định quản lý, cấp phép sử dụng. Bên cạnh đó, phần lớn các cơ sở chế biến bán hàng online đều có quy mô nhỏ lẻ, không chịu sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền, không đủ trang thiết bị bảo quản, không đủ kiến thức về dinh dưỡng…
Vì vậy, bên cạnh nỗ lực giám sát của cơ quan chức năng, buộc các cơ sở, hộ gia đình, cá nhân phải tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm, chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình, người tiêu dùng cần sáng suốt khi lựa chọn thực phẩm tết, đặt ưu tiên nguồn gốc xuất xứ, hạn dùng của sản phẩm lên hàng đầu.