Làng cổ Phước Tích thuộc xã Phong Hòa (Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) là ngôi làng cổ thứ hai được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia, thế nhưng di sản quý báu này đang bị xuống cấp và biến dạng trầm trọng, nhiều nguy cơ bị xóa sổ.
Thiếu kinh phí trùng tu
Làng Phước Tích đã được hình thành từ thế kỷ 15, các thế hệ dân cư đã xây dựng nên ngôi làng với nét văn hóa cổ kính, cảnh quan kiến trúc mang đậm triết lý phương Đông, đặc biệt là hệ thống đình, chùa, đền, miếu và nhà rường cổ. Đến nay nơi đây còn lưu giữ 37 ngôi nhà rường cổ và hơn 12 nhà thờ họ cổ, có tuổi đời từ 100 đến 150 năm, đây là những ngôi nhà cổ có kiến trúc độc đáo đặc trưng của nghệ thuật vùng văn hóa Huế và miền Trung.
Không những vậy ở làng cổ này còn có nhiều cổ thụ tuổi đời hàng trăm năm. Thế nhưng sự xuống cấp của các nhà rường cổ đang là điều đáng lo ngại. Trong số 37 ngôi nhà rường cổ, có đến hơn một nửa đã bị xuống cấp trầm trọng, tường mục nát, sụp đổ, mái ngói bị vỡ đổ, vì vậy nhiều gia đình đã thay loại ngói mới, điều này vô tình làm mất đi kiến trúc cổ xưa.
Anh Lương Thanh Phong, chủ một ngôi nhà rường cổ tại Phước Tích, cho biết: “Gia đình tôi đã phải chuyển ra ngoài ở vì sợ ngôi nhà không biết sập lúc nào. Mà sống trong nhà cũng không nổi, mùa nắng còn đỡ chứ mùa mưa ở trong nhà cũng như ở ngoài trời, dột khắp nơi, khổ lắm!”.
Ngôi nhà cổ của bà Hồ Thị Thanh Nga cũng vậy, mái ngói đã bị bong nhiều chỗ, các cột kèo trong nhà hầu như đã mục nát, bà Nga phải dùng bạt che đậy để tránh hư hại thêm. Xót xa khi nhà cổ bị xuống cấp từng ngày nhưng hầu hết người dân ở đây không đủ tiền để trùng tu, sửa chữa vì nếu muốn giữ đúng kiểu dáng kiến trúc đòi hỏi kinh phí quá lớn. Được biết nếu muốn phục hồi một ngôi nhà cổ, phải mất ít nhất từ 500 triệu đến 700 triệu đồng, vì thế những ngôi nhà cổ ở làng cổ Phước Tích cứ bị để mặc thời gian tiếp tục làm xuống cấp trầm trọng.
Không đầu tư nhưng muốn khai thác
Hàng ngày vẫn có một số đoàn du lịch về Phước Tích tham quan nhưng họ thường đi ngay vì ở đây hầu như không có cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Ngoài những ngôi nhà cổ rêu phong xuống cấp, ở đây không có loại hình dịch vụ nào phục vụ nơi ăn chốn nghỉ cho du khách, trong khi đường đi lại rất lầy lội, khó khăn… Chẳng những vậy, những người dân chân lấm tay bùn nơi đây cũng không mặn mà gì với du khách vì họ chưa thấy được hưởng lợi gì từ du lịch.
Ông Lê Trọng Khương, chủ một ngôi nhà cổ ở Phước Tích, cho biết: “Đa phần người dân làng cổ phải đi xa làm ăn, giao nhà lại cho những người già chăm sóc, mà người già chỉ muốn sống yên tĩnh thôi”.
Ông Hoàng Tấn Minh, Trưởng thôn kiêm thành viên Ban quản lý làng cổ Phước Tích, cho biết: “Trước tình trạng nhiều nhà rường cổ đang bị xuống cấp nặng, chính quyền và người dân địa phương đã kiến nghị các cấp, các ngành liên quan hỗ trợ trùng tu nhưng vẫn chưa được quan tâm giải quyết”. Nếu để kéo dài tình trạng xuống cấp, không kịp thời bảo tồn, sửa chữa, chắc chắn không lâu nữa làng cổ Phước Tích với những ngôi nhà cổ có giá trị đặc biệt về mặt văn hóa này sẽ bị xóa sổ. Điều này không những là thiệt hại di sản quốc gia mà còn đánh mất đi tiềm năng du lịch hấp dẫn. Một vấn đề cũng cần tính đến: Muốn khai thác du lịch từ di sản quốc gia này, không thể bằng cách “ăn sẵn” mà phải có sự đầu tư đúng mức cho việc trùng tu, nâng cấp di sản và xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch.
Ký Vinh