Nguy cơ xung đột kéo dài tại Ukraine

Theo Tổng thống Croatia Zoran Milanovic, quyết định gửi xe tăng tới Ukraine trong tuần này của Mỹ, Đức và các nước phương Tây khác sẽ chỉ khiến cuộc xung đột tại Ukraine kéo dài hơn. Thậm chí, Nga và nhiều nước khác cho rằng không loại trừ nguy cơ xảy ra Thế chiến thứ 3.
Người tị nạn Ukraine tại Moldova
Người tị nạn Ukraine tại Moldova

Nga cáo buộc Mỹ kéo dài cuộc xung đột

Mỹ thông báo sẽ gửi xe tăng Abrams tới Ukraine, trong khi Đức, Tây Ban Nha và Na Uy cho biết họ cũng sẽ cung cấp xe tăng hạng nặng Leopard 2 cho nước này. Theo truyền hình Pháp BFM, Đại sứ Ukraine tại Pháp Vadym Omelchenko cho biết, tổng cộng có 321 xe tăng hạng nặng đã được một số quốc gia hứa cung cấp cho Ukraine. Trên chiến trường, Nga cũng đang đẩy mạnh các cuộc tấn công nhằm giành lại những vị trí họ từng kiểm soát.

Kiev đã thúc ép phương Tây cung cấp xe tăng cùng với các loại vũ khí khác trong một thời gian dài, lập luận rằng đó là điều cần thiết để chống lại một “cuộc tấn công dự kiến của Nga vào mùa xuân này”. Kiev cũng đã yêu cầu máy bay chiến đấu F16 của Mỹ. Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết, Chính phủ Mỹ đã biết về yêu cầu của Ukraine nhưng “không có bất kỳ hệ thống vũ khí bổ sung nào” để đề cập đến yêu cầu này.

Theo Reuters, Moscow cáo buộc Tổng thống Mỹ Joe Biden kéo dài chiến tranh bằng cách trang bị vũ khí cho Kiev. Điện Kremlin cho rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden có cách để chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng đến nay Washington vẫn chưa sẵn sàng sử dụng. Trong một cuộc họp báo hàng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, Mỹ có thể nhanh chóng chấm dứt xung đột nếu muốn nhưng thay vào đó lại “bơm vũ khí vào Ukraine”.

Theo Sputnik, ông Kim Tong Myong, nhà nghiên cứu thuộc Hiệp hội Nghiên cứu chính trị quốc tế ở Triều Tiên, nhận định, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhiều khả năng sẽ gây sức ép với Nhật Bản và Hàn Quốc để buộc hai nước này viện trợ quân sự cho Ukraine. Trong một diễn biến khác, báo La Stampa của Italy ngày 28-1 đăng kết quả một cuộc thăm dò dư luận cho thấy 52% số người Italy được hỏi ý kiến đã phản đối việc cung cấp vũ khí hiện đại do phương Tây sản xuất cho Ukraine. Cuộc khảo sát do Công ty Nghiên cứu Euromedia Research thực hiện ngày 24-1, trong đó 68,5% người trả lời đã phản đối NATO can thiệp vào cuộc xung đột Nga - Ukraine và 16,2% ủng hộ.

Người dân Ukraine gánh hậu quả

Hiện hàng triệu người Ukraine đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điện và các nhu cầu cơ bản khác do xung đột. Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết, Ukraine sẽ cần thêm 17 tỷ USD tài trợ trong năm nay để sửa chữa hệ thống cung cấp điện, hầm mỏ và xây dựng lại cơ sở hạ tầng. Còn theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, có thời điểm vào cuối tháng 12-2022, gần 9 triệu người nước này không có điện.

Ông Filippo Grandi, người đứng đầu Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc (UNHCR), khuyến cáo, Kiev và các chính phủ châu Âu nên chuẩn bị một làn sóng mới - chạy trốn khỏi cuộc xung đột, của người dân Ukraine. Tuy ông không đưa ra dự đoán về quân sự vì đó không phải là chuyên môn nhưng chắc chắn là bất kỳ sự leo thang chiến tranh nào cũng có nguy cơ dẫn đến việc người dân di tản nhiều hơn. UNHCR ước tính các cuộc giao tranh kể từ tháng 2-2022 đã đẩy 8 triệu người dân Ukraine sớm rời khỏi đất nước, trong khi 6 triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa để đến các vùng khác của Ukraine. Các quan chức Nga cho biết, có tới 5 triệu người Ukraine đã rời phía Đông Ukraine để đến Nga.

Ở Ba Lan và khắp châu Âu, chi phí năng lượng và nhà ở đã tăng vọt buộc một số chính phủ sẵn sàng giảm tài trợ cho người tị nạn khi cuộc xung đột tại Ukraine tiếp diễn. Điều này đã khiến các nhóm nhân đạo và tình nguyện viên phải vật lộn với câu hỏi khó là làm thế nào để duy trì viện trợ cho người tị nạn Ukraine trong năm 2023.

Tin cùng chuyên mục