Nguy hiểm khi sử dụng thuốc giảm đau không đúng cách

Thuốc giảm đau là các thuốc nhằm điều trị triệu chứng, làm giảm các cơn đau cấp tính hoặc mạn tính. 2 nhóm thuốc phổ biến nhất có thể được phép bán không cần đơn tại các hiệu thuốc là paracetamol và nhóm kháng viêm không chứa steroid, viết tắt là NSAIDs (Nonsteroidal anti-inflammatory drugs).
Nguy hiểm khi sử dụng thuốc giảm đau không đúng cách

3 điểm khác biệt lớn nhất giữa paracetamol và NSAIDs bao gồm:

Nguy cơ khi sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt không đúng cách - tác dụng phụ không mong muốn và ngộ độc do quá liều

Người dân có thể dễ dàng tự mua 2 loại thuốc này không cần đơn tại các quầy thuốc, hiệu thuốc. Tuy nhiên, việc lạm dụng các thuốc giảm đau, hạ sốt này quá mức hoặc tự ý sử dụng mà không có sự tư vấn từ bác sĩ, dược sĩ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây hại.

Với paracetamol, mặc dù là thuốc có kinh nghiệm sử dụng lâu năm và rất an toàn khi dùng đúng cách, nhưng lại cũng rất dễ xảy ra ngộ độc do quá liều.

Ngộ độc paracetamol dẫn tới tổn thương gan cấp, trường hợp nặng có thể cần ghép gan hoặc gây tử vong. Ngay tại Canada, Mỹ và nhiều nước phát triển, quá liều acetaminophen là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới suy gan cấp. Ước tính hàng năm tại Canada có 4.500 ca nhập viện do quá liều paracetamol. Lý do là vì chỉ cần dùng cao hơn liều tối đa cho phép một chút là đã xảy ra ngộ độc.

Cụ thể, liều tối đa ở người lớn và trẻ > 12 tuổi không quá 4g/24 giờ (tức 8 viên paracetamol 500mg), mỗi lần chỉ uống 1-2 viên và cách nhau mỗi 4-6 giờ. Với trẻ nhỏ, liều tối đa cho phép còn thấp hơn nữa và phải tính liều theo cân nặng. Như vậy, ngộ độc có nguy cơ xảy ra khi:

- Dùng quá tổng liều cho phép trong 24 giờ

- Uống liều kế tiếp quá sớm, dưới 4-6 giờ.

- Uống nhiều hơn liều dùng mỗi lần. Ví dụ: 3-4 viên paracetamol 500mg cùng một lúc

- Dùng liên tục kéo dài hơn thời gian khuyến cáo

- Dùng cùng lúc nhiều chế phẩm đều chứa paracetamol mà không hay biết. Ví dụ: thuốc giảm đau khớp và phối hợp thuốc trị cảm cúm (có chứa paracetamol)

- Ở trẻ nhỏ, ngộ độc paracetamol rất dễ xảy ra khi người nhà sốt ruột muốn hạ sốt nhanh chóng cho bé; bị nhầm lẫn liều khi sử dụng xen kẽ paracetamol và ibuprofen; tự ý bù liều khi bé bị nôn ói; không sử dụng đúng dụng cụ lấy thuốc dạng lỏng dẫn tới lấy sai liều, đặc biệt dạng lỏng có nồng độ hoạt chất cao hơn dạng hỗn dịch nên rất dễ quá liều nếu đo liều không chính xác; dùng quá liều tối đa theo cân nặng trẻ; dùng nhiều chế phẩm phối hợp trong điều trị cảm cúm, ho, viêm họng... 

So với paracetamol, các thuốc NSAIDs có tác dụng phụ nhiều hơn và một số tác dụng phụ nghiêm trọng xảy ra ngay cả ở liều khuyến cáo, nhất là khi sử dụng liều cao trong thời gian dài như: làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim thậm chí tử vong, nhất là ở người có tiền sử bệnh tim mạch, lớn tuổi; có thể gây tổn thương thận cấp, nhất là ở trẻ nhỏ.

Hơn nữa, người bệnh thường có sốt cao, nôn ói, tiêu chảy, ăn uống kém... dẫn tới tình trạng mất nước, và điều này càng làm tăng nguy cơ gây tổn thương thận; nguy cơ tổn thương thận cấp tăng nếu đang dùng một số nhóm thuốc điều trị huyết áp (nhóm ức chế men chuyển, ức chế thụ thể), hoặc tiểu đường (thuốc metformin, nhóm Sulfonylureas, SGLT2 inhibitors); tăng nguy cơ xuất huyết khi bị sốt xuất huyết hoặc đang dùng thuốc chống đông máu; nguy cơ loét bao tử, đặc biệt khi dùng chung một số thuốc (Ví dụ: thuốc kháng viêm corticosteroid...); có thể làm nặng hay bộc phát cơn hen suyễn; làm tăng huyết áp ở người bệnh tăng huyết áp và tăng nguy cơ tụt đường huyết ở người bệnh tiểu đường.

Liều dùng khuyến cáo cho phép sử dụng an toàn của các thuốc nhóm NSAIDs phụ thuộc nhiều vào từng hoạt chất trong nhóm, độ tuổi, chỉ định sử dụng. Chẳng hạn, với ibuprofen, liều được khuyến cáo để tự hạ sốt tại nhà là 1200mg và chỉ nên dùng trong 3 ngày (theo chuyên luận thuốc ibuprofen của Bộ Y tế Canada).

Nhưng với chỉ định giảm đau do thoái hoá khớp, liều tối đa có thể lên tới 2400mg - 3200mg và cần có đơn bác sĩ. Do đó, việc tự ý sử dụng bất kể khi nào có cơn đau mà không có sự tư vấn kỹ càng với dược sĩ, bác sĩ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ dùng sai liều, quá liều.

Một nguyên nhân khác gây quá liều, sai liều các thuốc giảm đau là do tự ý quy đổi giữa các chế phẩm với hàm lượng và dạng bào chế khác nhau. Chẳng hạn, dạng viên nén ibuprofen 200mg thông thường có thể dùng trong cả hạ sốt và giảm đau, với liều 1 đến 2 viên sau mỗi 4 giờ và tối đa có thể lên đến 2400mg - 3200mg/ngày trong chỉ định giảm đau do thoái hoá khớp.

Trong khi đó, ibuprofen dạng phóng thích kéo dài có hàm lượng 600mg (biệt dược Advil-12-hour) chỉ dùng trong chỉ định giảm đau, chỉ được phép dùng 1 viên mỗi 12 giờ và không quá 2 viên trong 24 giờ (tối đa 1200mg/24 giờ). Tuyệt đối không tự quy đổi cách dùng và liều dùng của dạng viên nén, viên nang thông thường với các dạng phóng thích kéo dài.

Việc tự ý sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt mà không đi khám đầy đủ sẽ dẫn tới việc bỏ sót các tình trạng nguy hiểm cần điều trị sớm (Ví dụ: đau đầu, sốt có thể là một trong các dấu hiệu của viêm màng não). Người dân cũng không nên sử dụng lại đơn thuốc cũ mà không đi tái khám.

Thứ nhất, đó có thể là một tình trạng bệnh mới, khác với bệnh đã chẩn đoán trước đó.

Thứ hai, tình trạng bệnh có thể thay đổi, tiến triển nặng hơn và cần thêm các can thiệp khác, nhất là khi các cơn đau xuất hiện nhiều và khó kiểm soát. Cố gắng tự dùng thuốc giảm đau tại nhà lúc này rất dễ dẫn tới quá liều, gây ngộ độc.

Để tránh các trường hợp tai biến khi dùng thuốc hay ngộ độc thuốc ngoài ý muốn, người dân cần tư vấn ý kiến bác sĩ, dược sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc giảm đau, hạ sốt nào tại nhà.

Chỉ dùng theo đúng toa bác sĩ hoặc hướng dẫn của dược sĩ tại nhà thuốc. Không tự ý điều chỉnh liều, bù liều hay rút ngắn thời gian giữa các liều đã được hướng dẫn mà không hỏi lại ý kiến dược sĩ, bác sĩ. Người bệnh cần đi khám lại khi có cơn đau, không tự dùng lại đơn thuốc giảm đau cũ hoặc chia sẻ cho người khác sử dụng tương tự.

Tin cùng chuyên mục