Nguyễn Bình Dương và niềm đam mê Toán cơ

(SGGPO).- Đến nay, sau gần 4 năm thành lập, đã có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp tại trường đại học Việt Đức (VGU). Trong số những sinh viên tốt nghiệp khóa đầu tiên của VGU, nổi bật  là chàng trai 27 tuổi quê Đăk Lăk -  Nguyễn Bình Dương.
Nguyễn Bình Dương và niềm đam mê Toán cơ

(SGGPO).- Đến nay, sau gần 4 năm thành lập, đã có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp tại trường đại học Việt Đức (VGU). Trong số những sinh viên tốt nghiệp khóa đầu tiên của VGU, nổi bật  là chàng trai 27 tuổi quê Đăk Lăk -  Nguyễn Bình Dương.

Tốt nghiệp loại khá giỏi ngành Cơ Kỹ thuật của trường Đại học Bách Khoa TPHCM với luận văn do thầy Trương Tích Thiện hướng dẫn năm 2009, với mong ước nâng cao kiến thức chuyên ngành, Nguyễn Bình Dương đã được các thầy cô, đặc biệt là thầy Trần Công Thành (công tác ở Viện Khoa học Công nghệ và Tính toán TPHCM) định hướng, Dương đã chọn trường đại học Việt Đức để tiếp tục theo học bậc thạc sĩ với một niềm tin: CHLB Đức là quốc gia có nền khoa học kỹ thuận tiên tiến.

Đề tài thạc sĩ của Dương có tên “Modelling polygonization in single crystals within the Continuum dislocation theory" (tạm dịch: “Mô hình hóa hiện tượng Polygonization trong đơn tinh thể bằng lý thuyết Continuum Dislocation") do giáo sư Lê Khánh Châu gợi ý và hướng dẫn. Đề tài này đã đạt điểm tối đa và được tạp chí quốc tế về khoa học kỹ thuật đăng vào cuối tháng 9-2011, đồng thời được báo cáo tại hội nghị quốc tế về Plasticity ở Mỹ vào tháng 1-2012. 

Nói về công việc của mình, Dương chia sẻ, anh chọn đề tài này bởi nó có tính ứng dụng cao trong việc nghiên cứu các vật liệu phục vụ đời sống. Cụ thể như, có thể sử dụng để thiết kế loại hợp kim TWIP (Multi Phase Twinning-Induced Plasticity) dùng trong ngành công nghiệp xe hơi...

Đạt được kết quả này, Dương không quên thầy Lê Khánh Châu (giáo sư Toán đang giảng dạy và nghiên cứu tại CHLB Đức- người đã trực tiếp hướng dẫn Dương làm luận văn thạc sĩ. Giáo sư Lê Khánh Châu là con của vợ chồng ca sĩ nổi tiếng Tân Nhân, nhà báo cách mạng Lê Khánh Căn và là con rể của nhà thơ Tố Hữu.

Nguyễn Bình Dương và niềm đam mê Toán cơ ảnh 1

Nguyễn Bình Dương (phải) vinh dự được đón tiếp bà Merkel - đương kim Thủ tướng Đức

...và chụp hình chung với bà Merkel

...và chụp hình chung với  bà Merkel 

Là sinh viên xuất sắc trong khóa đầu tiên của trường Đại học Việt Đức, Nguyễn Bình Dương vinh dự được đón tiếp Thủ tướng Đức, bà Merkel trong chuyến thăm và làm việc của bà tại Việt Nam vào ngày 12-10-2011. Dương cũng được chụp ảnh chung với bà và được ông Schröder, nguyên Thủ tướng Đức trao bằng tốt nghiệp thạc sĩ.

Dương cho biết, sau 4 năm học tập tại trường đại học Việt Đức, ấn tượng lớn nhất với Dương là các thầy cô trong trường luôn thân thiện, dễ gần, thông cảm với sinh viên, đặc biệt là sinh viên Việt Nam vốn gặp nhiều khó khăn trong học tập nhất là về ngoại ngữ khi học tập trong môi trường giảng dạy toàn bằng tiếng Anh. Ngay từ khi vừa nhập học, nhà  trường có những chủ trương giúp đỡ thật cụ thể, tận tình đối với từng sinh viên, giúp họ vượt qua mọi trở ngại, yên tâm học tập. Ngoài ra, trường cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để sinh viên được học và thi chung một số môn học với sinh viên quốc tế ngay tại nước Đức, để giúp sinh viên nhanh chóng hội nhập về kiến thức cũng như giao lưu với bạn bè quốc tế.

Sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ, Dương tiếp tục được tổ chức DFG (German Foundation Research) tài trợ để tiếp tục hoàn thành luận án tiến sĩ tại Đức. Đề tài tiến sĩ của Dương được phát triển nâng cao từ luận văn thạc sĩ có tên “Analysis and Numerical Simulations of the plastic deformations of single crystals and TWIP-alloys within continuum dislocation theory” (tạm dịch: “Phân tích và mô phỏng bằng số học sự biến dạng dẻo của đơn tinh thể và hợp kim TWIP bằng lý thuyết Continuum Dislocation”).

Nguyễn Bình Dương với tấm bằng thạc sĩ

Nguyễn Bình Dương với tấm bằng thạc sĩ

Về dự định tương lai của mình, Dương cười rất khiêm tốn: “Em tự thấy có bổn phận phải cố gắng học tập hết sức mình, để khỏi phụ lòng của các thầy cô và Chính phủ Việt Nam cũng như Chính phủ CHLB Đức. Em đang cố gắng học tập nâng cao kiến thức, để sau này có thể trở về công tác và giúp đỡ cho thêm nhiều sinh viên được tiếp cận kỹ thuật hiện đại của khoa học thế giới”.

Đầu tháng 5-2012 Nguyễn Bình Dương đã bay sang Đức để tiếp tục với những tìm tòi, nghiên cứu mới trong lĩnh vực Toán cơ.

Trường Đại học Việt-Đức (VGU) là trường đại học công lập của Việt Nam trên cơ sở liên kết giữa chính phủ Việt Nam và bang Hessen - Cộng hòa Liên bang Đức. Đây là nỗ lực của hai nước Việt Nam và CHLB Đức nhằm xây dựng một trường đại học chuẩn mực quốc tế tại Việt Nam.

VGU có cơ cấu đào tạo và quản lý theo mô hình của đại học Đức và cung cấp các chương trình đào tạo trong những lãnh vực kỹ thuật mũi nhọn của Đức đã chính thức khai giảng khóa đầu tiên vào ngày 10 tháng 9 năm 2008 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Chương trình đào tạo của VGU được thiết kế theo chương trình quốc tế, với hầu hết các giảng viên danh tiếng từ Đức trực tiếp sang Việt Nam giảng dạy. Trong quá trình theo học tại VGU, sinh viên có cơ hội học một học kỳ tại Đức, tham gia nghiên cứu tại Đức hoặc thực tập trong một công ty của Đức tại Việt Nam. Hoàn tất luận văn tốt nghiệp hay tham gia các công trình nghiên cứu tại Đức sinh viên có cơ hội việc làm hoặc tiếp tục công trình nghiên cứu tại Đức.

Sinh viên tốt nghiệp VGU sẽ được cấp bằng cấp chính thức của Đức. Ngôn ngữ giảng dạy và học tập tại VGU là tiếng Anh, nhưng trong quá trình học tại trường sinh viên cũng được học tiếng Đức song song.

Trung Thu

Tin cùng chuyên mục