Nhà cổ Hội An chờ sập

Hàng trăm nhà cổ ở phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới bị xuống cấp trầm trọng. TP Hội An và tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chính sách nhằm trùng tu, tôn tạo kịp thời di tích có giá trị kiến trúc, văn hóa cao. Tuy nhiên, nay còn có hàng chục di tích thuộc sở hữu tư nhân trở thành phế tích, mặc dù kinh phí của Nhà nước hỗ trợ, cho vay không tính lãi để trùng tu, tôn tạo… không thiếu.
Nhà cổ Hội An chờ sập

Hàng trăm nhà cổ ở phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới bị xuống cấp trầm trọng. TP Hội An và tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chính sách nhằm trùng tu, tôn tạo kịp thời di tích có giá trị kiến trúc, văn hóa cao. Tuy nhiên, nay còn có hàng chục di tích thuộc sở hữu tư nhân trở thành phế tích, mặc dù kinh phí của Nhà nước hỗ trợ, cho vay không tính lãi để trùng tu, tôn tạo… không thiếu.

  • Nhà cổ chờ... sập

Một ngày giữa tháng 10-2012, chúng tôi tìm về ngôi nhà cổ Quân Thắng tại số 77 Trần Phú, TP Hội An (Quảng Nam). Nhà cổ Quân Thắng được làm bằng gỗ, là di tích loại đặc biệt nằm trong quần thể phố cổ Hội An. Đây là một trong những ngôi nhà cổ đẹp nhất Hội An được chủ hiệu buôn người Hoa xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 17.

Ngôi nhà thông 2 mặt đường Trần Phú - Nguyễn Thái Học, trên vách tường ngăn bằng gỗ được chạm khắc những hoa văn rất đẹp, các vị kèo chồng rường giả thú, cột trốn kè chuyền và vi vỏ cua… Đoạn giữa nhà có một giếng trời, giữa giếng trời là một hòn non bộ, vách tường bên cạnh có khắc hình cuốn thư được khảm bằng gốm… Không gian ngôi nhà bức tranh tuyệt tác bằng gỗ.

Nhà cổ Quân Thắng (77 Trần Phú, Hội An) đang xuống cấp nghiêm trọng.

Nhà cổ Quân Thắng (77 Trần Phú, Hội An) đang xuống cấp nghiêm trọng.

Hiện nay ngôi nhà này đã xuống cấp rất trầm trọng. Toàn bộ hệ khung chịu lực như cột, kèo, đòn tay, khung gỗ… bị mối mọt ăn luồn. Đặc biệt, những vách tường ngăn bằng gỗ được chạm khắc hoa văn rất đẹp bị mục nát; mái ngói âm dương bị sụt lở, thấm dột… và toàn bộ mái nhà có thể đổ ập bất cứ lúc nào. Trong khi đó, hàng ngày có cả chục con người sống trong ngôi nhà này và hàng trăm lượt khách tham quan.

Bà Thái Thị Sâm (95 tuổi), chủ ngôi nhà cổ Quân Thắng, cho biết: “Tui muốn sửa lắm nhưng không có tiền. Tui già quá rồi, con cái lại nghèo khó, trong khi nhà cũng không buôn bán gì được. Tiền vé tham quan chẳng được bao nhiêu. Ở trong nhà này tui lo đến ngủ không được, mong Nhà nước xem xét hỗ trợ chứ vay tiền để trùng tu sợ không trả nổi? Trong khi nhà này là nhà thờ họ tộc không bán được”.

Cùng số phận với nhà cổ Quân Thắng, hiện nay phố cổ Hội An có 34 di tích loại: đặc biệt, loại 1 và loại 2 xuống cấp trầm trọng cần tu bổ khẩn cấp. Trong số đó có 3 ngôi nhà thuộc loại “đặc biệt” và 8 nhà cổ loại 1.
 

Cưỡng chế... trùng tu
 

Trước tình trạng hàng loạt nhà cổ thuộc sở hữu tư nhân nằm trong quần thể phố cổ Hội An xuống cấp cần tu bổ khẩn cấp, tỉnh Quảng Nam có chính sách hỗ trợ kinh phí trùng tu nhà cổ từ 55% (đối với nhà mặt tiền, có buôn bán) đến 75% (nhà trong hẻm). Tuy nhiên, rất ít người tiến hành lập hồ sơ trùng tu để hưởng chính sách này... lý do kinh phí trùng tu quá cao.

Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Hội An một lần nữa lập đề án xin tỉnh Quảng Nam dành kinh phí trùng tu nhà cổ với hình thức cho vay không lấy lãi trong 3 năm và được UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý. Thế nhưng, đến nay chỉ mới 5 ngôi nhà được trùng tu, số còn lại không chịu trùng tu với lý do “không có kinh phí trùng tu” hoặc vướng đồng sở hữu nhà, người thì đồng ý vay, người không chịu. Trong khi đó, hàng chục ngôi nhà cổ đứng trước nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Nhà cổ Hội An đổ sập do xuống cấp không chỉ ảnh hưởng lớn đến di sản văn hóa thế giới Hội An mà còn đe dọa đến tính mạng người dân và du khách.

Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Hội An, cho biết: Đối với các đô thị khác, các vật kiến trúc xuống cấp, không đảm bảo an toàn sẽ được tháo dỡ. Nếu như chủ nhà không chịu tháo dỡ thì các ngành chức năng sẽ cưỡng chế tháo dỡ. Tuy nhiên, phố cổ Hội An là di sản văn hóa thế giới nên việc quản lý đô thị cũng mang tính đặc thù.

Sau nhiều chính sách hỗ trợ trùng tu đưa ra mà người dân vẫn không chịu trùng tu di tích thì phải có biện pháp cưỡng chế… trùng tu. Để cứu nguy cho di tích, hiện Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa đang đề xuất phương án: nếu nhà cổ nào thuộc sở hữu tư nhân xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ nhưng gia chủ không chịu trùng tu thì thành lập Hội đồng thẩm định, sau đó lập hồ sơ trùng tu bằng kinh phí Nhà nước. Sau này, nếu ai sử dụng kinh doanh hoặc bán Nhà nước sẽ trưng thu số tiền đã bỏ ra trùng tu.

Đây là biện pháp cấp bách để “cứu” di sản văn hóa thế giới Hội An nhưng việc làm này phải thực hiện theo lộ trình, đúng trình tự, đúng luật, từ khâu thông báo hạn định trùng tu cho gia chủ đến lập hồ sơ trùng tu… và phải được sự giám sát của Hội đồng thẩm định trùng tu.

Chiều 29-6-2010, sau một cơn mưa dông, ngôi nhà cổ số 72 Trần Phú, TP Hội An bị sập một mảng mái ngói âm dương rộng hơn 20m2. Đây là căn nhà cổ thuộc sở hữu tư nhân nằm trong khu phố cổ Hội An đã bị xuống cấp nhưng không được trùng tu kịp thời dẫn đến sụp đổ.

NGUYÊN KHÔI

Tin cùng chuyên mục