86 tuổi với hành trình 58 năm nghiên cứu Hà Nội, ông là một trong số rất ít người được gọi là “Nhà Hà Nội học”. Có thể có người không đồng ý với danh hiệu đó của ông, nhưng nhìn lại khối lượng những công trình, cuốn sách ông viết về Hà Nội, một vị lãnh đạo Hà Nội đã từng nói “mấy người được như ông”. Còn ông, khi còn sống nói rằng: muốn hiểu, muốn nghiên cứu Hà Nội thì trước hết phải có “tấm lòng với Hà Nội”...
1. Căn nhà nhỏ ở 72 Ngô Quyền (Hà Nội) của ông trước đây có một tấm biển nhỏ “Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc”. Cách đây mấy năm, khi tới đó gặp lại ông, tấm biển đã được thay bằng dòng chữ “Nguyễn Vinh Phúc”. Không tiện hỏi ông, nhưng chắc cũng có duyên cớ gì đó xung quanh cái danh hiệu vốn là người đời gán cho ông cách đây khoảng 30 chục năm. Có người đã từng lên tiếng gay gắt “làm gì có cái gọi là Nhà Hà Nội học”, ông biết nhưng cười và bảo: “Tôi có tự xưng đâu, người ta gán cho tôi. Nhưng giờ tôi cũng thấy vui vì điều đó. Người ta có yêu quý, trân trọng công việc mình làm thì mới gọi vậy...”.
Lần nào đến cũng thấy, trong căn nhà của ông, sách báo, tài liệu chất đầy khắp nơi, ở góc nhà, bàn ghế, cầu thang. Một cái ghế sô pha cũ là nơi ông nghỉ ngơi ngay bên cái bàn nước nhỏ. Một cái bàn nhỏ nơi ông làm việc với 2 cái ghế gỗ cũ kỹ. Ông bảo nhà có 1-2 khách còn có chỗ tiếp, 3 khách trở lên là chật rồi, 4-5 khách thì không có chỗ mà ngồi... Ông sống ở đó, một mình với người giúp việc. Ngày trước còn khỏe, đi điền dã, khảo cứu nhiều, còn những năm gần đây do sức khỏe yếu, ông dành nhiều thời gian hơn cho việc nghiên cứu tư liệu và viết lách.
Tính đến năm 2010, ông đã có hơn 20 đầu sách, gồm cả riêng và viết chung về Hà Nội. Đó là chưa kể việc ông tham gia Hội đồng biên tập một số bộ sách lớn về Hà Nội trong những năm vừa qua. Những con số không hề nhỏ với một người vốn được xem là “nghiên cứu lịch sử tay ngang” như ông. Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hà Nội Phạm Quang Long từng nói về ông như sau: “Cái quý nhất là không ai buộc ông phải đi như thế, lao tâm khổ tứ như thế để có được một tri thức nhiều mặt về cả một vùng đất. Khi tuổi đã cao, sức yếu, con cái cũng yên ổn cả rồi mà vẫn làm việc, vẫn hăng say với công việc như thế thì không mấy người được như ông...”.
2. Vốn người gốc Hưng Yên và làm nghề dạy học ở Hà Nội, nhưng theo ông chính cái nghề giáo đã đưa ông đến con đường nghiên cứu về Hà Nội. Ông từng kể rằng, vào khoảng năm 1954 - 1955, khi đang đi dạy học ở trường tư thục, để có một bài giảng hay, hấp dẫn về Hà Nội, ông đã tự mày mò, nghiên cứu tư liệu và đi thực tế để xây dựng bài giảng. Một bài, hai bài, ba bài... “Rồi tôi dần dần bước vào con đường nghiên cứu Hà Nội lúc nào không hay. Càng tìm hiểu về Hà Nội tôi càng thấy thú vị và rồi tình yêu Hà Nội cứ lớn lên, sâu nặng theo năm tháng...” – ông Phúc từng tâm sự.
Nhiều người nói, điều thú vị nhất khi đọc các tác phẩm của ông là sự khảo cứu công phu, thông tin tỉ mỉ, sinh động gắn liền với hơi thở của cuộc sống, chứ không biện giải dài dòng hay lý thuyết khô khan, kiểu hàn lâm khoa học. Còn ông thì cho rằng, có những bài viết, công trình ông phải nghiên cứu, viết trong nhiều năm trời mới công bố. Chuyện về đền Đồng Cổ ở Thụy Khuê là một ví dụ. Công trình này ông bắt tay vào nghiên cứu hơn 40 năm, nhưng phải tới đầu năm 2010 mới chính thức công bố. Có người ví von, ông như một thầy đồ, cần mẫn góp nhặt chuyện và sự tích Hà Nội.
Nói về Hà Nội hôm nay, ông cho rằng, sự thay đổi theo dòng đời là chuyện tất yếu. Nhìn về hình hài của Hà Nội hôm nay rõ ràng là nó đang đẹp lên từng ngày với những con đường rộng và đẹp, nhà cửa cao tầng, khang trang hơn mà trước đây chỉ thấy trong phim ảnh. Theo ông, trong sự đổi thay tất yếu này, có lẽ vấn đề đáng quan tâm nhất là vấn đề con người. Con người Hà Nội ngày nay đã thay đổi nhiều quá.
Trước đây, Hà Nội chỉ có 30 vạn dân thì nay con số ấy đã lên đến hàng triệu. Người về Hà Nội xưa chỉ “nhỏ giọt” chứ không ồ ạt như bây giờ. Cũng vì thế mà ngày đó, con người ta dễ hấp thụ tinh hoa văn hóa kinh kỳ. Còn bây giờ, số người về Hà Nội đông quá nên họ chưa kịp tự điều chỉnh mình, dẫn đến sự thay đổi về mặt con người khá rõ nét. Những người khác xứ về Hà Nội đôi khi còn lấn át cả người Hà Nội gốc và họ vẫn còn giữ những lối sống như khi còn ở làng quê qua những biểu hiện như đi trên đường nhựa mà vẫn như đi trên đường làng, cởi trần đi trên đường như đi giữa cánh đồng... Đấy chính là lối sống chưa kịp điều chỉnh, trở thành lạc lõng giữa Hà Nội thanh lịch, kinh kỳ ngàn năm. Và theo ông đó chính cũng là “cái buồn nhất” của Hà Nội bây giờ.
3. Lần trò chuyện nhiều nhất với ông là dịp trước Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội (tháng 10-2010). Trong lần đó, nói về tình yêu Hà Nội của mình, ông tâm sự rằng: “Tình yêu Hà Nội là thứ rất khó cắt nghĩa. Nó tùy theo cảm nhận, từng trải của mỗi người khác nhau. Có một điều chắc chắn rằng, ai cũng yêu quý Hà Nội, đã sống ở Hà Nội thì luôn có sự gắn bó máu thịt với nó. Muốn yêu hay muốn nghiên cứu về Hà Nội trước hết bạn phải có một điều bắt buộc, đó là “tấm lòng với Hà Nội”. Với tôi, nó như tình yêu trai gái, đến lúc nào không rõ, thương lúc nào không hay. Tôi yêu Hà Nội sang trọng, tài hoa, thanh lịch lẫn một Hà Nội còn nhiều cơ cực. Tôi đến với việc nghiên cứu Hà Nội cũng từ đó. Nó như là số phận của mình và tôi luôn sống hết mình với điều đó...”.
Giờ thì ông đã thành người thiên cổ. Không rõ Hà Nội có bao nhiêu người suy ngẫm, nhìn nhận mọi chuyện như ông Phúc. Chắc cần phải có một “tấm lòng với Hà Nội” thì trả lời được điều đó. Một tấm lòng ngày đêm đau đáu, trăn trở với những thăng trầm theo thời gian và những biến động lịch sử của vùng đất Kẻ Chợ - kinh kỳ ngàn năm văn hiến này...
Trần Lưu