Nhà hát tìm kế giữ người

Dịch Covid-19 làm các nhà hát thường xuyên đóng cửa. Song, điều lo lắng nhất của các nhà hát không phải là không có vở mới để dựng, nghệ sĩ không có sân khấu để diễn…, mà là phải làm thế nào để giữ được người làm nghề, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ.

“Khó khăn lớn nhất của sân khấu hiện nay là giữ diễn viên ở lại. Diễn viên trẻ, những người chưa có hợp đồng, sau hai năm nỗ lực bám nghề đã bỏ đi nhiều. Buồn thay, diễn viên xuất sắc đã có danh hiệu nghệ sĩ ưu tú cũng đã bỏ diễn để ra bên ngoài bươn chải. Người bán hàng online, người bỏ đi bán bảo hiểm, làm nhôm kính…”, ông Phạm Tuấn Ngọc, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, nói.

Cùng tâm trạng này, NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, cho hay: “Các môn nghệ thuật khác nhau nhưng có nỗi lo giống nhau là làm thế nào để có tiền cho diễn viên. Đào tạo được một diễn viên vất vả biết mấy, vậy mà giờ khó khăn quá. Năm ngoái có mấy nghệ sĩ chính của đoàn bỏ đi, lực lượng nghệ sĩ rất mỏng…”. NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, cho biết: chia sẻ gánh nặng với các nghệ sĩ trong hoàn cảnh khó khăn này, nhà hát quyết định trích một khoản để giữ anh em trẻ không có lương. Khoản hỗ trợ nho nhỏ chỉ 1,5- 2 triệu đồng/tháng để anh chị em có thể đỡ phần nào tiền thuê trọ…

Cũng như nhiều lĩnh vực khác, người làm sân khấu cũng cố gắng xoay xở. Có đơn vị hợp tác với truyền hình để quay các chương trình sân khấu truyền hình, vừa là cách để nghệ sĩ được diễn, để vở diễn đến với đông đảo khán giả và cũng là cách để kiếm thêm thu nhập. Ý tưởng về các nhà hát online, tận dụng công nghiệp 4.0 để quảng bá các vở diễn trên YouTube, Facebook… để khán giả không quên sân khấu, kỳ vọng sự hồi sinh sau mỗi lần dịch Covid-19 bùng phát cũng được triển khai. Thời điểm này năm ngoái, Bộ VH-TT-DL tổ chức hoạt động hỗ trợ, giúp các sàn diễn sáng đèn trở lại, nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang cũng vì xuất hiện trở lại một số ổ dịch Covid-19. 

Sau 2 năm “ngắc ngoải” bởi dịch Covid-19, lãnh đạo của nhiều nhà hát có chung nhận định, chiến dịch quảng bá tác phẩm là cần thiết, đưa khán giả đến với sân khấu cũng rất cần, nhưng điều cấp thiết tại thời điểm này là phải tìm được cách giữ nghệ sĩ. Ai cũng mong muốn khi dịch tạm lắng, sân khấu được hoạt động trở lại thì khán giả lại đến. Lý thuyết là vậy song thực tế, chỉ khi kinh tế được khôi phục, người dân có thu nhập, lúc ấy mọi người mới dành ưu tiên cho văn hóa, nghệ thuật. Và từ nay đến thời điểm ấy, bao nhiêu nghệ sĩ vượt qua được gánh nặng cơm áo sân khấu?

Lắng nghe tâm tư của các nhà hát, sắp tới Bộ VH-TT-DL và các đơn vị quản lý nghệ thuật sẽ cùng ngồi lại để tìm các giải pháp tháo gỡ. Trong thời điểm mọi ngành nghề đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thì không dễ để có được giải pháp mạnh, nhưng dẫu sao đó cũng là tín hiệu tích cực đối với người làm sân khấu.

Tin cùng chuyên mục