Nhà hát truyền hình: Giải pháp đồng hành sân khấu

Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD), Bộ VH-TT-DL cho biết, đã lựa chọn nhiều tác phẩm nghệ thuật sân khấu chất lượng để ghi hình và phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cùng một số đài địa phương. Đây được cho là giải pháp đồng hành với sân khấu trong thời điểm hiện tại.
Vở tuồng Trung thần của Nhà hát Tuồng Việt Nam lên sóng truyền hình trong tháng 7-2021
Vở tuồng Trung thần của Nhà hát Tuồng Việt Nam lên sóng truyền hình trong tháng 7-2021

Xu thế tất yếu

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, ở rất nhiều nơi bị cách ly xã hội hay bị phong tỏa, đã có những chương trình được thực hiện không có khán giả trực tiếp, chỉ phát trên các nền tảng kỹ thuật số, từ YouTube, Fanpage đến truyền hình. Đây là cách thức duy nhất mang các chương trình nghệ thuật đến tận nhà, khi khán giả không thể đến rạp hát.

Đã có nhiều chương trình mang tính kết nối giữa các nghệ sĩ, được phát trực tuyến trên YouTube phục vụ khán giả, để lại những ấn tượng tốt. Cục NTBD cũng đã xây dựng kênh NTBD Việt Nam trên YouTube và Facebook để phát trực tuyến một số cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc vào năm 2020. Hình thức phát trực tuyến này đã giúp nghệ sĩ và khán giả cùng cập nhật thông tin về các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp mà không cần phải tới xem trực tiếp.

Hơn một năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động nghệ thuật biểu diễn cả nước đang dần phải thích nghi với điều kiện và hoàn cảnh mới. Nhiều nhà hát áp dụng hình thức sân khấu truyền hình, phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của đông đảo công chúng. Dẫu không thể mang lại cảm giác như xem trực tiếp, nhưng đây là hướng đi phù hợp trong tình hình hiện nay.

NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, chia sẻ, sân khấu truyền hình hiện nay cũng là một giải pháp cho các đơn vị nghệ thuật. Tuy nhiên, để vượt qua khó khăn do Covid-19, cần đẩy mạnh các hoạt động phối kết hợp hoạt động biểu diễn với công nghệ nhiều hơn, rộng hơn nữa. Như riêng với công tác truyền thông, quảng bá, Nhà hát Kịch Việt Nam đang khởi động tổ chức 2 ê kíp. Trong đó, một nhóm chuyên về làm trên YouTube, một nhóm làm trên TikTok. Mỗi nhóm đưa ra kế hoạch, nội dung, trong đó có cả nội dung hình ảnh, nội dung giải trí, nội dung về luyện tập, hoạt động và xây dựng hình ảnh cá nhân của các diễn viên nhà hát. Đích thân lãnh đạo nhà hát kết hợp với các đơn vị hàng đầu về công nghệ hỗ trợ các nhóm này.

Gỡ khó với các nhà hát trong thời điểm này, ông Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục NTBD, cho biết, Bộ VH-TT-DL đã có nhiều cuộc trao đổi, làm việc, đề nghị VTV, VOV và một số đài phát thanh - truyền hình tỉnh, thành phố... phối hợp phát sóng chương trình biểu diễn của các nhà hát để đưa sân khấu về tới mỗi gia đình. Cơ quan quản lý ngành sẽ lựa chọn cung cấp những chương trình, tác phẩm nghệ thuật có chất lượng, phía các đài truyền hình sẽ biên tập, dàn dựng các chương trình nghệ thuật này để phát sóng.

Hướng tới giải pháp lâu dài

Theo các nhà chuyên môn, ngôn ngữ truyền hình khác với ngôn ngữ sàn diễn, chất lượng và hiệu quả khó đạt được nếu phát sóng không có bàn tay đạo diễn truyền hình. “Bởi thế, kế hoạch đưa sân khấu lên truyền hình lần này đã được đầu tư kỹ hơn về âm nhạc, sân khấu, cảnh quay... Các nhà hát cũng lựa chọn những chương trình thế mạnh như có thể đưa các trích đoạn sân khấu, các trích đoạn của vở ballet Hồ Thiên Nga, vở nhạc kịch Những người khốn khổ... lên truyền hình”, lãnh đạo Cục NTBD chia sẻ.

“Dù dịch Covid-19 còn kéo dài hay sẽ sớm được kiểm soát, thì việc đưa các tác phẩm sân khấu lên môi trường kỹ thuật số để tiếp cận khán giả là con đường tất yếu. Nhưng nó có đem lại hiệu quả, trở thành cứu cánh cho sân khấu trong thời đại 4.0 hay không, thì hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng của những chương trình sân khấu đó, sau đó là cách thức quảng bá tới đông đảo công chúng”, khán giả Thu Mai (Hàng Trống, Hà Nội) nhận định.

Có thể thấu hiểu tâm tư của nhiều nghệ sĩ trong thời gian gần đây khi bỗng nhiên bị “mất nghề” và mất đi những khoảnh khắc thăng hoa nghệ thuật và được sự tán thưởng trực tiếp từ người xem. Tuy nhiên, với cách tiếp cận khán giả mới, diễn viên sẽ tiếp tục được diễn, được luyện tập, được thể hiện và đem cái hay, cái đẹp của nghệ thuật đến với khán giả. Dự kiến việc đưa các chương trình lên sóng sẽ được thực hiện từ tháng 7, như vở tuồng Trung thần của Nhà hát Tuồng Việt Nam, chương trình nghệ thuật Những ngôi sao bất tử của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc...

Cục NTBD cũng kỳ vọng, kể cả khi điều kiện cho phép, các hoạt động biểu diễn trực tiếp trở lại, việc tổ chức phát sóng chương trình trên truyền hình vẫn được duy trì. Nhà hát truyền hình, nhà hát online sẽ hoạt động song hành cùng nhà hát truyền thống, phục vụ đồng thời cả hai đối tượng khán giả trực tiếp đến sân khấu và khán giả qua màn ảnh nhỏ.

Tin cùng chuyên mục