(SGGPO).- Từ những vấn đề bức xúc của cuộc sống hiện đại như nạn chạy chức, chạy quyền, chạy điểm, chạy trường… dưới bàn tay dàn dựng của Nghệ sĩ Nhân dân Lê Hùng, Đoàn kịch II Nhà hát Tuổi trẻ ghi thêm vào thương hiệu “Đời cười” chùm tiểu phẩm “Chạy…chọt!”. Đời cười 11 với những tình huống “Chạy…chọt” sẽ công diễn ngày 13-11 tại Nhà hát lớn (Hà Nội).
“Chạy…chọt” để thu vén những lợi ích cho bản thân lâu nay đã bị gọi là căn bệnh của xã hội. Từ vấn đề thời sự của cuộc sống, chia sẻ với người dân về những tiểu xảo trong chốn quan trường, lấy chuyện xưa để nói chuyện nay là một phần của “Chạy chức”.
Đạo diễn Lê Hùng phát triển từ tiểu phẩm “Việc làng” nhuộm cho nó màu sắc hiện đại khiến người xem thấy câu chuyện “chạy chức” đang hiện hữu đâu đây.
Vì khuyết chân quan Tri huyện nên quan lớn về địa phương tuyển chọn từ đám hương chức trong làng nọ, vậy là các chức sắc trong thôn tìm mọi cách hối lộ, lấy lòng quan lớn mong được trọng dụng.
Cũng về vấn đề “nóng” hiện nay là “chạy trường” lại mang đến một cái nhìn bi hài về nền giáo dục. Đây là vấn đề đang diễn ra như một điệp khúc hết năm này sang năm khác. Khán giả cười sự hài hước trên sân khấu nhưng cũng thấy ngậm ngùi vì hình như có mình ở trong đó. Đầu năm học xếp hàng, cãi chửi nhau từ nửa đêm, gà gáy đi xin học cho con. Rồi thì quan hệ với thầy cô giáo xin điểm cho con, cháu mải chơi, lười học được lên lớp. Những tình huống tréo ngoe được đẩy lên đỉnh điểm để tiếng cười bật lên từ những xót xa.
Nghệ sỹ Chí Trung - Trưởng đoàn kịch II Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ: “Chúng tôi muốn tiếng cười tấn công vào những vấn nạn người dân đang bức xúc hiện nay. Những ông quan tham, dốt nát mà làm “mẫu nghi thiên hạ” thì dân chúng sẽ rơi vào vòng khổ ải, lầm than, kinh tế làm sao mà khá lên được. Còn những “chủ nhân tương lai” không được quan tâm giáo dục chu đáo làm sao trang bị đầy trí tài, tự tin cho cuộc sống mai sau. Cười đấy, mà xót xa đấy”.
Có lẽ, mới lạ và bi hài hơn cả có lẽ là “chạy…nghèo”. Người ta "chạy nghèo" không phải để thoát khỏi sự nghèo khó, mà họ "chạy" để được công nhận là hộ nghèo, thôn nghèo, xã nghèo… Điều này xuất phát từ quy định trong chính sách của Nhà nước về hỗ trợ xoá đói giảm nghèo. Ở đâu nghèo thì được cho tiền, chính vì thế nhà càng giàu, có điều kiện kinh tế càng tham lo lót để được công nhận là hộ nghèo mong được thêm tiền. Tiếng cười khiến khán giả bất bình, nơi nghèo, người nghèo thật thì không được hỗ trợ mà tiền lại cứ “tìm” nhà giàu mà “chạy về”…
Từ những sự trớ trêu, bi hài ấy mà khán giả cười ... ra nước mắt.
MAI AN