- Viện trợ dành cho Nhật Bản còn rất hạn chế
- Nguy cơ nứt tại lò phản ứng số 1
Ngày 26-3, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) cho biết đã phát hiện lượng phóng xạ iodine-131 cao gấp 1.250,8 lần mức cho phép tại nhiều vùng nước biển gần lò phản ứng số 1 vài trăm mét. Nguyên nhân chưa được xác định.
Giả thiết đặt ra cho tình trạng này có thể xuất phát từ việc giảm áp (của hơi nước) hoặc có thể có sự rò rỉ từ đường ống, van dẫn tuy chưa thấy vết nứt. Phát hiện này cũng có nghĩa lò phản ứng số 1 có thể đã bị hư hỏng, kéo theo sự chậm trễ hơn nữa trong nỗ lực ổn định các lò phản ứng. Trong khi đó, người ta đang tiến hành bơm nước làm mát vào lò phản ứng số 2 của nhà máy này.
Còn tại thủ đô Tokyo, kết quả đo nồng độ phóng xạ sáng ngày 26-3 cho thấy bức xạ môi trường là 0,22 msv/giờ, cao hơn khoảng 6 lần so với mức bình thường của thành phố. Tuy nhiên, mức độ này vẫn nằm trong mức trung bình 0,17-0,39 msv/giờ theo quy định của Hiệp hội hạt nhân thế giới. Một quan chức Bộ Khoa học Nhật Bản khẳng định mức độ bức xạ hàng ngày trong vòng bán kính 30 km về phía Tây Bắc của nhà máy đã vượt quá mức giới hạn hàng năm.
Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã soạn thảo các kế hoạch triển khai các sà lan có khả năng vận chuyển một lượng lớn nước ngọt của Hải quân Mỹ và sau đó bơm nước qua các đường ống vào nhà máy Fukushima. Quân đội Mỹ cũng sẽ cung cấp bơm cao áp để bơm nước qua các đường ống vào các lò phản ứng, trong khi các tàu của SDF sẽ được huy động để tiếp nước cho các sà lan trên. Hiện các tàu của quân đội Mỹ đã rời căn cứ ở Yokosuka, gần thủ đô Tokyo. Kế hoạch trên sẽ được triển khai vào đầu tuần tới.
- Môi trường có thể được phục hồi trong 5 năm tới
Phó Giám đốc Viện An toàn hạt nhân của Nga, ông Rafael Arutyunyan cho rằng các chỉ số về bức xạ xung quanh khu vực Fukushima sẽ giảm trong vòng trên dưới một tháng. Theo ông Arutyunyan, phóng xạ iodine-131 có chu kỳ bán tan rã trong 8 ngày. Do đó, khu vực bán kính 10km xung quanh nhà máy điện Fukushima sẽ lại thích hợp cho con người sinh sống trong vòng 5 năm tới vì ô nhiễm ở mức độ thấp nên vùng lãnh thổ sẽ dễ dàng phục hồi hơn. Theo ông, các chuyên gia hạt nhân Nhật sẽ phải xây một nắp bảo vệ cho các lò phản ứng bị hư hỏng.
Cũng có chuyên gia cho rằng nếu so với thảm họa Chernobyl, khi mọi hoạt động được tăng cường ngay từ ngày đầu tiên tai nạn xảy ra thì người Nhật đã mất nhiều thời gian mà vẫn chưa kiểm soát được vấn đề. Chuyên gia Nikolai Tarakanov nhận định các lò phản ứng của nhà máy Fukushima được xây dựng từ trước năm 1974 nên đến nay đã quá cũ kỹ và khó phục hồi.
Tính đến ngày 26-3, số người thiệt mạng trong thảm họa là gần 11.000 người, hơn 17.400 người mất tích, hàng trăm ngàn ngôi nhà bị phá hủy hoặc không có điện, nước. Lúc này, tình trạng sinh hoạt của hàng chục ngàn người sống sót sau thảm họa tại các trung tâm lánh nạn khá tồi tệ do lâm vào cảnh thiếu thốn lương thực, thuốc men. Trong khi đó, theo trích dẫn trên Telegraph, những khoản quyên góp trên toàn thế giới cho Nhật Bản mới chỉ bằng 1/6 so với thống kê tương tự tại Haiti và chỉ bằng 1/4 khoản tiền mà các nạn nhân của cơn bão Katrina nhận được cách đây 6 năm. Telegraph cho rằng việc được coi là nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới lúc này lại trở thành một bất lợi của Nhật Bản.
HÀ TRANG
>> Nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản: Khoang chứa lò phản ứng số 3 có thể bị hư hại
>> Nhật Bản: Chất phóng xạ tiếp tục thoát ra từ nhà máy Fukushima
>> Khôi phục thành công nguồn điện cho các lò phản ứng của nhà máy Fukushuma số 1
>> WHO cảnh báo: Thực phẩm nhiễm phóng xạ tại Nhật Bản nghiêm trọng hơn dự kiến
>> Nâng mức cảnh báo lò phản ứng hạt nhân: Nghiêm trọng và nguy hiểm
>> Việt Nam Không ảnh hưởng bụi phóng xạ
>> Việt Nam chia sẻ khó khăn với Nhật Bản
>> Nhật Bản: Số người thiệt mạng và mất tích lên đến 16.600 người
>> Nỗ lực làm mát các lò phản ứng hạt nhân