Nhà ở sinh viên: Đến hẹn lại... lo

Giá thuê tăng, chất lượng giảm
Nhà ở sinh viên: Đến hẹn lại... lo

Còn ít ngày nữa, hàng vạn tân sinh viên sẽ đổ về thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn trong cả nước để bắt đầu nhập học. Trong bối cảnh “cầu vượt xa cung”, hứa hẹn đón chờ các tân sinh viên sẽ lại là những khu nhà trọ nhếch nhác trong khi giá cả không ngừng leo thang.

Một phòng trọ 10m² cho 2 người tại Phùng Khoang (quận Thanh Xuân).

Một phòng trọ 10m² cho 2 người tại Phùng Khoang (quận Thanh Xuân).

Giá thuê tăng, chất lượng giảm

Khu vực tập trung 3 trường đại học lớn của Hà Nội gồm Bách Khoa - Xây dựng - Kinh tế quốc dân được giới sinh viên gọi vui là “tam giác quỷ”. Nằm len lỏi trong các ngõ nhỏ, lọt thỏm trong các khu dân cư đông đúc là những dãy nhà trọ với những căn nhà tồi tàn có diện tích mỗi phòng chỉ 15-20m², lợp tôn hoặc tấm lợp thô sơ. Thật khó hình dung, ngay giữa thủ đô Hà Nội lại có những dãy nhà trọ xập xệ, tối tăm đến vậy. Ở đây luôn có chuyện bi hài xảy ra khi các cô cậu cử tương lai phải chen chúc, học hành trong tình cảnh chật chội, lộn xộn, mất vệ sinh.

Mùa khai giảng năm ngoái, giá thuê trọ ở đây khoảng 1,2 triệu đồng/phòng 15m² nhưng vào thời điểm này, giá phòng đã đội lên đến 2,5 triệu đồng. “Tam giác quỷ” càng trở nên “nóng bỏng” hơn khi người nhà của các tân sinh viên đã bắt đầu nhanh chân khởi động cuộc đua tìm nhà trọ. Chị Thu Hương, nhân viên văn phòng nhà đất cho thuê trên phố Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng) cho biết, vào thời điểm này thuê nhà rất khó bởi các chủ nhà trọ đều biết nhu cầu quá lớn của thị trường, họ tăng giá tùy tiện, càng gần trường giá càng cao nhưng diện tích càng hẹp.

Làng Phùng Khoang (quận Thanh Xuân) cũng tập trung đông sinh viên của cụm 6 trường đại học lớn của Hà Nội. Hơn 1 tháng nay, các khu nhà trọ ở đây kẻ chuyển đến, người chuyển đi tấp nập. Mai Phương, sinh viên khoa Anh Trường Đại học Hà Nội, cho biết: “Trước đây giá trọ trong làng còn rẻ nhưng gần đây chủ nhà tăng giá liên tục, chỉ trong vòng nửa năm đã 2 lần tăng giá. Tiền điện, nước cũng tăng, trong khi chất lượng nhà xuống cấp. Nhiều sinh viên không “trụ” được phải đi tìm chỗ khác”. Thế nhưng, bà chủ nhà trọ ở đây vẫn tỏ ra rất “cao giọng”: “Gần trường thế này, vài ngày nữa sinh viên mới kéo về, đắt cũng chả có mà thuê”. Hiện một căn phòng rộng khoảng 17m², nhà vệ sinh chung, giá khoảng 1,5 triệu đồng/người/tháng, chưa kể tiền điện nước...

Nhà ở sinh viên vẫn thiếu trầm trọng

Hà Nội hiện có khoảng 400.000 sinh viên, chiếm 25% tổng số sinh viên toàn quốc nhưng hệ thống ký túc xá (KTX) chỉ đáp ứng được 18% nhu cầu thực tế. Đơn cử, KTX Mễ Trì (ĐH Quốc gia Hà Nội) có 1.800 chỗ ở cho sinh viên ĐH Khoa học Tự nhiên và ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, trong đó có 500 chỗ cho tân sinh viên của hai trường, song quỹ phòng này chỉ đáp ứng được khoảng 25%-30% nhu cầu. Đại diện BQL KTX Mễ Trì cho biết, rất nhiều sinh viên thuộc diện ưu tiên nhưng vẫn không có được suất ở KTX do hết chỗ.

Ngoài KTX của các trường, trên địa bàn HN hiện vẫn chỉ có duy nhất dự án nhà ở cho sinh viên của Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco). Hơn 2.500 sinh viên trong nước và 500 sinh viên quốc tế đang ở trong những căn hộ khép kín, hiện đại của làng sinh viên với những điều kiện về cơ sở vật chất khá lý tưởng, không gian thoáng đãng, an ninh chặt chẽ, giao thông thuận tiện với mức giá thuê chỉ bằng 50% so với giá bên ngoài. Các dịch vụ sinh hoạt như điện, nước với mức giá ưu đãi cho sinh viên đúng như quy định của Nhà nước. Thế nhưng, việc xin vào khu nhà này cũng khó chẳng kém “lên trời” bởi liên tục có khoảng 1.000 hồ sơ sinh viên xếp hàng chờ đến lượt.

Rõ ràng mô hình làng sinh viên Hacinco đã chứng minh được hiệu quả thiết thực nhưng cho đến thời điểm này các dự án nhà ở cho sinh viên vẫn đang triển khai rất ì ạch. Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), hiện đã có gần 100 dự án nhà ở cho sinh viên được phê duyệt trên khắp các tỉnh thành trong cả nước. Các dự án này nếu triển khai nhanh sẽ giải quyết nơi ăn chốn ở cho 820.000 sinh viên. Tuy nhiên, với dự báo cả nước sẽ có khoảng hơn 5 triệu sinh viên vào năm 2015 thì số dự án kể trên, nếu hoàn thành đúng tiến độ cũng mới chỉ cung cấp được 50% so với nhu cầu thực tế của sinh viên.

Các nhà đầu tư vẫn chưa thực sự mặn mà với loại hình nhà ở cho sinh viên, nhất là ở Hà Nội và TPHCM. Theo ông Bùi Đức Long, Tổng giám đốc Công ty Vicon, đơn vị đang triển khai nhiều dự án nhà ở xã hội: “Ở các thành phố lớn giá đất cao, giá thành xây dựng cao trong khi giá cho thuê nhà sinh viên lại thấp. Nếu không có ưu đãi đặc biệt về vốn thì các doanh nghiệp rất e ngại tham gia vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, nhiều địa phương không có chủ trương về quỹ đất, quy hoạch chưa nhất quán khiến các doanh nghiệp không thể có kế hoạch, định hướng phù hợp cho việc đầu tư và phát triển nhà ở cho sinh viên”.

Bích Quyên

Tin cùng chuyên mục