* Anh từ chối lệnh bắt khẩn cấp của Interpol
Sau khi có đồn đoán nhà sáng lập website Wikileaks Julian Assange đang bỏ trốn, tờ Independent (Anh) ngày 2-12 cho biết ông Assange đang ở vùng Đông - Nam nước Anh từ tháng 10 đến nay.
Theo Sở Cảnh sát London (Scotland Yard), ông Assange đã chủ động cung cấp thông tin về chuyến “viếng thăm” Anh của ông này. Scotland Yard còn có số điện thoại của ông Assange và biết rõ người đàn ông 39 tuổi ở đâu. Về lệnh bắt khẩn cấp ông Assange của Interpol, Scotland Yard cho biết họ vẫn đang chờ những chỉ đạo cụ thể trước khi bắt giữ.
Trong khi đó, Cơ quan về tội phạm có tổ chức nguy hiểm của Anh (Soca) đã từ chối lệnh bắt khẩn cấp của Interpol.
Theo Soca, việc trì hoãn này thuộc về lý do kỹ thuật bởi Soca cần phân loại lệnh bắt trên của Interpol. Nếu việc này chưa được hoàn tất, lực lượng cảnh sát Anh không được phép hành động. Tuy nhiên, chiều 2-12, cảnh sát Thụy Điển cho biết không có sai lầm gì trong lệnh bắt khẩn cấp của Interpol.
Trong khi đó, nhóm cộng sự của ông Assange cũng từ chối tiết lộ nơi ở của ông Assange do lo ngại ông này bị sát hại.
Ông Mark Stephens, luật sư của nhà sáng lập Wikileaks khẳng định ông Assange không lẩn trốn bởi ông vẫn có các cuộc trả lời phỏng vấn của cơ quan truyền thông nơi ông cư trú. Việc ông Assange không tiết lộ nơi cư trú bởi có quá nhiều mối đe dọa đến tính mạng. Thủ tướng Canada Stephen Harper đã gợi ý nên ám sát Assange. Còn Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thì cho biết Mỹ sẽ có những “biện pháp cứng rắn” để chống lại ông Assange.
Nhiều nước nổi đóa
Cùng ngày, Wikileaks vẫn tiếp tục tung ra các thông tin khiến chính phủ nhiều quốc gia bị sốc. Thủ tướng Nga Vladimir Putin không hề vui vẻ chút nào trước việc các quan chức Mỹ gọi Nga là “quốc gia mafia”.
Theo thông tin rò rỉ của Wikileaks, các quan chức Mỹ nghi ngờ mafia đang gây ảnh hưởng tại Mátxcơva. Ngoài ra, họ còn cho rằng Điện Kremlin biết thừa về âm mưu sát hại cựu điệp viên KGB, Alexander Litvinenko và chính Thủ tướng Putin chỉ đạo vụ này. Thủ tướng Putin đã cảnh báo Mỹ không nên can thiệp vào chuyện nội bộ của Nga.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan, đã phản ứng kịch liệt thông tin ông có một tài khoản bí mật tại Ngân hàng Thụy Sĩ. “Washington nên kiểm tra lại những nhà ngoại giao của họ. Toàn những lời dối trá và thông tin sai lệch”, ông Erdogan nói.
Trong khi đó, một vị bộ trưởng của Argentina đã cảm thấy xấu hổ thay cho Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khi bà Clinton yêu cầu tìm hiểu thông tin về tâm sinh lý của Tổng thống Argentina Cristina Kirchner. Uruguay cũng cho biết sẽ liên hệ với Đại sứ quán Mỹ để xác nhận những gì Wikileaks đưa ra.
Trong khi đó, lãnh tụ Cuba Fidel Castro đã gọi vụ tiết lộ thông tin này là vụ “xì căng đan tai tiếng” trong lịch sử ngoại giao. Trong khi chính phủ nhiều nước phản ứng mạnh mẽ, một số đồng minh của Mỹ như Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi, được mệnh danh là người của “tiệc tùng thâu đêm” theo như miêu tả trong một bức điện tín, đã coi nhẹ ảnh hưởng của vụ rò rỉ này.
Thậm chí, Raila Odinga, Thủ tướng Kenya - nước bị mô tả là “tham nhũng tràn lan” - còn hoan nghênh việc tiết lộ này là “có ích”.
Nước Mỹ bắt đầu phòng vệ
Trước những thông tin ít nhiều làm “muối mặt” Nhà Trắng, chính quyền Tổng thống Barack Obama tuyên bố đang khẩn trương tiến hành các biện pháp mới nhằm bảo vệ các bí mật của chính phủ.
Ông B.Obama đã bổ nhiệm Cố vấn An ninh quốc gia Tom Donilon làm cố vấn cấp cao đứng đầu một ủy ban nhằm xác định toàn diện và thực hiện những cải cách cơ cấu cần thiết sau vụ tiết lộ của Wikileaks.
Tổng thống Mỹ cũng đồng thời chỉ định ông Russell Travers, một chuyên gia chống khủng bố, chỉ đạo những nỗ lực của Mỹ nhằm làm giảm thiểu các thiệt hại do việc Wikileaks công bố các thông tin mật, đồng thời ngăn chặn các hành động tiết lộ thông tin trái phép trong tương lai. Còn bà H.Clinton khẳng định việc tiết lộ của Wikileaks sẽ không ảnh hưởng tới chính sách ngoại giao của Mỹ.
Trong một động thái khác nhằm chống lại Wikileaks, Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa của Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Joe Lieberman, cho biết Công ty Amazon.com Inc đã ngừng cho Wikileaks thuê máy chủ để phát các thông tin lên mạng.
Trước đó, văn phòng của thượng nghị sĩ này đã gây sức ép với Amazon sau khi có thông tin rằng Wikileaks đã thuê Amazon tải lên mạng những tài liệu mật qua các máy chủ của mình vì địa chỉ website của Wikileaks bị tin tặc tấn công.
Trả lời báo chí trong một cuộc họp thượng đỉnh tại Kazakhstan, nơi Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ H.Clinton, ông Ban Ki-moon bày tỏ quan điểm về các thông tin ngoại giao của Mỹ rằng: không một ai cảm thấy vui vẻ khi biết rằng có người luôn theo dõi mình. |
ĐỖ VĂN