Hội Nhà văn Việt Nam đang triển khai kế hoạch tổng kết văn học giai đoạn chống Mỹ. Để rộng đường thông tin về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội.
- PV: Tổng kết một giai đoạn văn học là việc rất cần thiết, nhà thơ có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?
>> Nhà thơ BẰNG VIỆT: Nền văn học hiện đại của chúng ta có rất nhiều thành tựu xứng đáng để chúng ta tự hào và tôn vinh. Từng giai đoạn có những đặc điểm thời đại, xã hội khác nhau nhưng nhìn chung văn học vẫn là một dòng chảy liền mạch với những đóng góp không nhỏ vào văn hóa chung của dân tộc. Từ trước đến nay, chúng ta vẫn thường phân chia một cách tương đối và mang tính ước lệ. Hội Nhà văn Việt Nam đang tổng kết một giai đoạn văn học, tính từ khi cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ở miền Bắc, lấy mốc từ khi xảy ra sự kiện vịnh Bắc Bộ ngày 5-8-1964, đến khi kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975.
- Thưa nhà thơ, có nhiều ý kiến và băn khoăn tại sao lại lấy mốc trong khoảng thời gian 11 năm (1964 - 1975) như vậy?
Nói văn học trong cuộc kháng chiến chống Pháp là chỉ những tác giả và tác phẩm ra đời trong thời kỳ ấy; còn văn học giai đoạn chống Mỹ cũng vậy. Những tác giả sống ở miền Bắc những năm ấy đã đành, nhưng còn một lực lượng không nhỏ là các tác giả lực lượng văn nghệ giải phóng.
- Nhà thơ có thể cho biết đôi nét về các công việc đang tiến hành?
Đây là dịp tôn vinh những tác giả và tác phẩm của một giai đoạn phát triển của văn học Việt Nam (do đặc thù hoàn cảnh đất nước). Hội Nhà văn đang tiến hành tuyển chọn và in thành hai tập văn xuôi và thơ. Văn xuôi do nhà văn Nguyễn Khắc Trường đảm nhận, phần thơ do tôi đảm nhận. Dự kiến sẽ có một hội thảo đánh giá những đóng góp của văn học giai đoạn chống Mỹ vào nền văn học nước nhà, tổ chức trong quý 1 năm 2014. Riêng tuyển tập thơ, ngoài các tác giả của miền Bắc, của lực lượng văn nghệ giải phóng, chúng tôi cũng chọn một số tác giả trong các đô thị miền Nam, như: Thảo Nguyên, Trần Quang Long, Trần Vàng Sao... và tác giả nước ngoài, như ở Pháp chẳng hạn nói về cuộc chiến tranh trong giai đoạn ấy.
- Thưa nhà thơ, việc tổng kết hay đánh giá văn học trong mỗi giai đoạn đương nhiên là cần thiết nhưng theo nhiều người, cách dùng cụm từ như “chống Pháp” hay “chống Mỹ” nghe cũng chưa được ổn lắm?
Chúng tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều nhưng cũng thật khó bởi đặc điểm, đặc trưng của mỗi giai đoạn đó đã gắn liền với những biến cố trọng đại, vận mệnh của dân tộc, của đất nước... Nếu gọi khác đi thì không được, gọi thuần túy theo thời gian thì không phản ánh được bản chất của vấn đề... Trong khi chưa tìm được ngôn từ thích hợp, tôi nghĩ chúng ta hãy chấp nhận như một ước lệ. Thực ra bản chất của văn học những thời kỳ ấy là thế, không thể tách rời khỏi sự nghiệp chung của nhân dân, đất nước.
- Thưa nhà thơ, một hội thảo tôn vinh và khẳng định những đóng góp của thế hệ những người cầm bút xuất hiện và trưởng thành trong giai đoạn chống Mỹ hẳn nhiên rồi, thế nhưng văn học giai đoạn ấy cũng bộc lộ những hạn chế?
Chắc chắn sẽ có những tham luận hoặc bài viết ngoài khẳng định những giá trị, đóng góp... cũng chỉ ra những hạn chế, thậm chí những ngộ nhận về điều này, điều kia... Một sự đánh giá công bằng, khách quan, thấu đáo, nhìn thẳng vào sự thật sẽ tạo đà cho sự phát triển.
CAO MINH thực hiện