

Trong tác phẩm Chủ nghĩa nhân văn dưới thời văn hóa Phục hưng (xuất bản 1949) sau Alighieri Dante được học giả Đặng Thai Mai giới thiệu và đánh giá một cách trân trọng: “Francesco Petrarca * (1304-1374) là một thiên tài vĩ đại, một nhà học giả uyên thâm đã có công lao lớn nhất trong nền nhân văn Ý”, nhà thơ Ý có ảnh hưởng quyết định thị hiếu thẩm mỹ Phục hưng châu Âu.
Francesco Petrarca sinh ngày 20-7-1304 ở Arezzo, nhưng nguyên quán là Florence, một “thành phố tiên phong” của thời Phục hưng. Hải cảng này trở nên phát đạt vào đầu thế kỷ XIV, góp phần biến nước Ý thành trung tâm kinh tế và thương mại của cả châu âu. Nhưng do xảy ra nội chiến, vào năm 1302, gia đình Petrarca đã phải rời Florence để tản cư đến Arezzo trong hoàn cảnh rất khó khăn, sau đó chuyển sang Pháp lần lượt sống ở Incise, Pise, Avignon, Carpentras. Petrarca xuất hiện như là một trong những nhà nhân văn chủ nghĩa đầu tiên đã góp phần khẳng định một hình mẫu xã hội mới, trong đó nhân giới từng bước thay thế cho thần giới làm trung tâm sự chú ý của văn hóa và nghệ thuật. Cũng có thể xem Petrarca là mẫu người trí thức dấn thân của thời đại mới, một thời đại chuyển tiếp từ chế độ phong kiến sang chế độ tư bản.
Nếu chủ nghĩa nhân văn công dân và chủ nghĩa nhân văn văn học được xem là hai giai đoạn của chủ nghĩa nhân văn ý, thì trong cuộc đời và sự nghiệp của Petrarca hai yếu tố này không hề tách rời nhau mà hòa lẫn với nhau làm một. Nước Ý là tổ quốc mà Petrarca đã rời bỏ vì cuộc sống lưu đày và ông đã trở về để góp phần giữ gìn nó với tất cả sức mạnh của ý chí và tình yêu xứ sở. Còn nước Pháp là mảnh đất mà Petrarca gắn bó từ sự chọn lựa của thân phụ ông và rồi nó đã trở thành xứ sở của tình yêu trong trái tim ông.
Canzoniere, với 365 bài sonnet - mỗi bài tượng trưng cho một ngày trong năm - là tác phẩm diễn tả nỗi buồn sâu xa về số phận được đánh thức bởi tình yêu như một kinh nghiệm tâm lý trong tương giao với người khác giới. Tập thơ đã tái hiện những đam mê trần thế đồng thời với khát vọng đi tìm ý nghĩa đạo đức từ vấn đề số phận con người trong mối quan hệ hòa hợp với đức tin tôn giáo.
Petrarca cũng là một humanista theo nghĩa đen, tức là người có kiến thức sâu rộng về ngôn ngữ và văn học Hy La, đã dành thời gian và chuyên tâm sưu tầm, chú giải, khảo cứu nhằm phục hồi văn bản tác phẩm của những tác gia thời cổ đại một cách chính xác, từ đó dịch thuật và công bố rộng rãi các tác phẩm ấy.
Thành tựu thơ ca của Petrarca đã tác động và làm hình thành cả một trào lưu văn học trên khắp nước ý. Tác phẩm và tên tuổi của ông là cội nguồn của trường phái Petrarca, về thực chất chính là trường phái tân Platon. Ảnh hưởng mạnh mẽ của trường phái này đã vượt qua biên giới nước ý, nó tràn ngập thơ ca Pháp và Tây Ban Nha vào đầu thế kỷ 16. Tác phẩm Petrarca trở thành nguồn cảm hứng, được mô phỏng, dịch thuật và xuất bản tại những nước này. Thơ ca và tư tưởng văn học của Petrarca còn vươn tới Bồ Đào Nha, Anh và đến thế kỷ 17 thì xuôi các dòng sông tìm đến nước Đức. Làn sóng ảnh hưởng của Petrarca cho thấy chiều kích đa văn hóa của tiến trình thơ ca nói riêng, tiến trình văn học nói chung, dưới thời Phục hưng ở châu âu.
Suy cho cùng, trên hết mọi trào lưu và trường phái, con đường du hành của sáng tác Petrarca vẫn là con đường của trái tim, cái kênh dẫn năng lượng của nó vẫn là kênh tình cảm. Bao lâu trái tim con người còn biết rung động bởi tổ quốc và tình yêu, thì bấy lâu sáng tác của Petrarca còn sống trong ký ức nhân loại.
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
* Trích “Francesco Petrarca – Tổ quốc, tình yêu và thơ ca”