
Trong Lịch sử Đảng bộ huyện Nhà Bè TPHCM có ghi: Sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, thực dân Pháp tiến hành đàn áp, truy bắt những người cộng sản và đồng bào yêu nước rồi đưa về nhốt tại Khám Lớn Sài Gòn. Khám Lớn trở nên quá tải nên Thống đốc Nam kỳ lịnh cho giám thị Khám Lớn chuyển 800 tù nhân (gần 1/3 tù nhân ở Khám Lớn) bị ghẻ lở, hoại thư về giam riêng tại Nhà thương Lazaret Nhà Bè. Tại đây, tội ác tày đình đã diễn ra... Lần theo những trang viết, PV Báo SGGP đã về lại địa điểm này.
Mỗi xâu 5-10 người

Vị trí sà lan nhốt tù.
Ông Trần Văn Di (Mười Di) kể: “Tui sinh năm 1923 tại Phú Xuân, Nhà Bè, làm nghề tắm ngựa. Năm 16 tuổi, được nhận vào làm bồi ở Nhà thương Lazaret Nhà Bè với công việc xắt khoai tây, bưng bê dọn dẹp. Tại đây có 3 dãy nhà xây bít bùng làm ngục, chia thành ô 30mx50m và mỗi ô chỉ có 1 cửa. Từ năm 1941, hàng đêm đều có xe tải phủ bạt chở tù về. Tui thấy mỗi nhóm 5-10 tù nhân được xỏ xâu bằng dây kẽm gai bị xô đẩy té ngã, tay ai cũng bê bết máu. Tui có lượm sợi dây kẽm coi thì tụi ma-rinh (lính thủy) nói: “Mày bỏ đi, Tây mà thấy nó xỏ xâu mày luôn”.
Theo lời kể của ông Mười Di, năm ông 17 tuổi và vẫn làm bồi tại Nhà thương Lazaret Nhà Bè, thấy cai ngục dùng vòi nước xịt vào cửa ngục để dập tắt tiếng la của tù nhân. Đến sáng thì có hàng chục người chết do nhiễm trùng, mất sức và nhiễm lạnh bởi phòng giam không có chỗ thoát nước. Có khi tù nhân phản đối mạnh, cai ngục đưa họ ra nhốt vào hầm chiếc sà lan hư đậu sát mé sông Nhà Bè. Do sà lan bị đục thủng lỗ nên khi thủy triều dâng lên, tù nhân chết ngộp từ từ rất đau lòng.
Nhân chứng Ngô Văn Long (Hai Của, ấp 7, Phú Xuân, Nhà Bè) tiếp lời: “Tui được cai ngục thuê đào hố chôn tù từ tháng 3-1941 đến 11-1941, mỗi ngày tui chôn 5-7 xác tù, có ngày chôn đến 20 xác, ngày nào cũng vậy. Lúc đầu ít xác nên mỗi hố chôn 1 người, về sau nhiều xác quá nên mỗi hố chôn 4-5 người. Do chủ nhật cai ngục cho nghỉ việc nên đến thứ hai mỗi tuần, tui phải chôn xác tù chết từ tối thứ bảy, trương sình trong nước hôi thúi lắm. Tui phải mua rượu uống cho đỡ sợ”.
Trong tận cùng tội ác, vẫn có những tấm lòng
Chúng tôi đi dọc con sông Nhà Bè giáp sông Lòng Tàu. Khu vực Nhà thương Lazaret Nhà Bè nay thuộc quyền quản lý của Nhà máy X51, Bộ Tư lệnh Hải quân. Trao đổi về vị trí xảy ra các đợt thảm sát tù nhân, đại tá Trần Văn Thụ, Chính ủy Nhà máy X51, cho biết thêm: “Trước năm 1975, Nhà thương Lazaret Nhà Bè được chính quyền Sài Gòn trưng dụng làm “Căn cứ tiếp vận yểm trợ Hải quân Nhà Bè”. Những người lính chế độ cũ đã có lập miếu thờ liệt sĩ cộng sản bị Pháp tàn sát. Sau năm 1975, nhân dân địa phương vẫn hương khói cho họ.
Năm 2006, ý thức được trách nhiệm của mình, X51 cũng xây dựng bia tưởng niệm anh linh các đồng bào yêu nước, các liệt sĩ dù chưa biết rõ số lượng chính xác. Thực tế, khi người dân địa phương đào móng xây nhà, vẫn thấy nhiều hố chôn tập thể, hài cốt nằm rải rác theo nhiều tư thế”.
Ông Mười Di kể: “Tui nhớ người thông ngôn tên Hồng không biết có phải của phía ta cài vào hay không nhưng có bận ông đưa tui một nắm răng vàng của tù chết biểu đem bán mua thuốc tây. Mua xong ông biểu tui đem đổ hết đống thuốc vào giỏ rác trước cửa ngục, mục đích là để tù nhân lượm mà uống. Có bận ổng còn kêu tui xé tấm drap trải giường ra để bỏ giỏ rác, ổng nói: “Để tụi tù lau máu mủ chứ để vầy chịu sao nổi”. Sau ngày Nhật đảo chánh Pháp, ông Hồng đi đâu mất”.
Chúng tôi tìm được cuốn hồi ký của ông Trần Văn Đức (ấp 7, Phú Xuân, Nhà Bè), thấy trong đó ghi: “Năm 24 tuổi tui vào làm công ở Nhà thương Lazaret Nhà Bè. Tui thấy người chết nhiều tới mức nước sông thúi kinh khủng và xanh dị thường. Có thầy giáo tên Thảo nhờ tui gửi bức thơ cho anh Tư Bài ở Phú Xuân. Anh Tư Bài nhận xong nói: “Bể ra Tây bắn chết”. Rồi thầy Thảo xin thuốc hút, tui có mua bỏ vào đống rác để thầy lượm hút. Sau này không gặp thầy nữa, không biết thầy sống hay chết”.
Cần một đài bia tưởng niệm

Bia tưởng niệm trong khuôn viên Nhà máy X51, chưa thể hiện đúng mức sự hy sinh của hàng trăm chiến sĩ.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Võ Minh Thành xúc động: “Qua số liệu của huyện, đối chiếu với lời kể các nhân chứng, so sánh thêm với số liệu tù nhân trong sổ sách của địch, chúng tôi xác nhận tại đây đã giam đến 2.000 tù nhân. Có hàng trăm tù nhân bị nhận nước chết, hàng trăm người khác chết do bệnh tật, tra tấn tàn bạo. Với số lượng người hy sinh nhiều như thế, địa danh trên đáng được ghi dấu để lớp hậu sinh chúng ta biết, tưởng nhớ”.
Chúng tôi được thượng tá Dương Tiến Dũng, Chủ nhiệm Chính trị Nhà máy X51, đưa ra xem vật chứng: chiếc sà lan nhốt tù nhân! Gió từ ngã ba sông thổi lên phần phật làm xao xác hàng lá dừa nước ven bờ. Theo lời kể của thượng tá Dương Tiến Dũng: “Hàng đêm cán bộ chiến sĩ X51 vẫn thắp hương tại đây!”.
Chúng tôi đến bên bia tưởng niệm có ghi dòng chữ: “Khu vực này, sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, nhà thương quốc tế Lazaret Nhà Bè bị biến thành nhà tù giam cầm hàng ngàn chiến sĩ cách mạng. Thực dân Pháp đã dùng nhiều cực hình dã man như: dùng dây kẽm gai xỏ xâu qua lòng bàn tay từng nhóm tù nhân 5 đến 10 người; lột trần ngâm nước sông trong phòng giam; bị bệnh hoại thư không cho chữa trị để tù nhân nhiễm trùng mà chết; nhốt tù nhân trong hầm sà lan đục thủng để nước sông dâng lên chết ngợp… Hàng trăm chiến sĩ cách mạng và nhân dân bị giết hại. Xác chết của tù nhân bị thực dân Pháp chôn vùi tập thể thành nhiều hố, nhiều tầng. Đời đời tưởng niệm và tri ân các liệt sĩ”.
Nghiêng mình trước bia tưởng niệm, chúng tôi thầm cảm ơn cán bộ chiến sĩ Nhà máy X51 đã dành 200 triệu đồng để lập nơi tưởng niệm vạch trần tội ác của thực dân Pháp. Nhưng để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau, đồng thời đánh giá đúng công lao hy sinh của hàng trăm liệt sĩ, cần phải có thêm sự đóng góp bằng vật chất, tấm lòng của toàn xã hội để xây dựng một đài bia tưởng niệm đúng tầm vóc.
Minh Anh