Vào ngày 11-4, Công ty cổ phần Tượng sáp Việt sẽ khánh thành Nhà trưng bày tượng sáp nghệ sĩ Việt Nam tại Nhà hát Hòa Bình.
Các nghệ sĩ chụp ảnh cùng tượng sáp “sầu nữ” - NSƯT Út Bạch Lan, GS-TS Trần Văn Khê (hàng ngồi, từ trái sang)
Nhà trưng bày được thiết kế trong không gian nghệ thuật mang đậm nét văn hóa đặc trưng của vùng đất phương Nam, với tổng diện tích hơn 1.500m². Trước mắt sẽ trưng bày hơn 100 bức tượng các nhà văn hóa tiêu biểu, các nghệ sĩ, nghệ nhân, nhạc sĩ, đạo diễn, diễn viên, ca sĩ… có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật nước nhà.
Mang đậm bản sắc văn hóa Việt
Sau những chuyến tham quan các bảo tàng tượng sáp trên thế giới, niềm đam mê với những bức tượng sáp dần hình thành trong tâm tưởng của 3 nghệ nhân điêu khắc Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Thị Diện và Thái Ngọc Bình. Bằng nhiệt huyết và niềm đam mê chế tác nghệ thuật, cả 3 nghệ nhân đã quyết tâm cùng thực hiện hoài bão: sáng tạo những bức tượng sáp mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Sau hơn 16 năm mày mò tìm kiếm chất liệu, nghiên cứu, học hỏi các kỹ thuật chế tác tượng sáp từ nhiều nước trên thế giới, 3 nghệ nhân đã đầu tư kinh phí, tìm mua một số nguyên liệu từ các nước và bắt tay thử nghiệm, tiến hành pha chế cùng với nguyên liệu trong nước, chế tạo ra một loại nguyên liệu đặc biệt dùng để chế tác tượng sáp, phù hợp với khí hậu trong nước, có độ bền cao. Khi các chất liệu phối hợp cho ra nguyên liệu thành phẩm có thể đáp ứng tốt cho công việc sáng tạo tượng sáp, 3 nghệ nhân cùng gần 40 nhân công của công ty đã bắt tay thực hiện hàng loạt bức tượng nghệ sĩ, nhạc sĩ, đạo diễn, diễn viên, nhà văn hóa Việt Nam như: GS-TS Trần Văn Khê, NSND Đinh Bằng Phi, NSND Bạch Tuyết, NSND Thanh Tòng, NSND Kim Cương, NSND Hồng Vân, NSƯT - đạo diễn Trần Minh Ngọc, NSƯT - đạo diễn Ca Lê Hồng, NSƯT Minh Vương, NSƯT - đạo diễn Công Ninh, nghệ sĩ Quyền Linh, Tú Trinh, Kiều Phượng Loan, nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng… Trong hơn 100 bức tượng sáp đã hoàn thành, khá nhiều tượng đẹp, giống người thật đến 90%.
Để làm được 1 bức tượng gần giống người thật, các công đoạn thực hiện vô cùng khó khăn. Các nghệ sĩ, đạo diễn, diễn viên phải nhiều lần lui tới xưởng đúc ở huyện Nhà Bè để được lấy số đo, những chỉ số trên cơ thể chính xác; trao đổi với các nghệ nhân để chọn hình tượng thể hiện, để nghệ nhân nắm bắt thần thái, phong cách người thật. Có nhiều bức tượng phải làm lại đến khi thật giống mới thôi. Với những nghệ sĩ quá cố, độ khó của công việc sáng tác nhân lên gấp đôi. Tính đến thời điểm này, kinh phí chi cho hoạt động sáng tạo tượng sáp nghệ sĩ Việt Nam (khoảng 200 tượng) đã vượt qua con số 35 tỷ đồng.
Hoài bão về ngành công nghiệp tượng sáp
Nghệ nhân điêu khắc Nguyễn Văn Đông chia sẻ: “Chúng tôi rất mừng vì khởi đầu công việc có những bước tiến triển tốt đẹp, nhận được sự ủng hộ của nhiều nghệ sĩ, giúp dự án từng bước được hoàn thiện. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn nhiều lo lắng, vì ngành tượng sáp luôn có sự đòi hỏi rất cao về chuyên môn, kỹ thuật, kinh nghiệm… nhưng mình lại không được qua trường lớp đào tạo nên càng phải nỗ lực học hỏi, hoàn thiện tay nghề. Tôi hy vọng ngành chế tác tượng sáp sẽ ngày một phát triển, trở thành ngành công nghiệp tượng sáp tại Việt Nam”.
Mỗi bức tượng sáp nghệ sĩ Việt Nam được trưng bày theo từng không gian riêng, gắn với tên tuổi và cuộc đời hoạt động nghệ thuật của nhân vật: không gian của sân khấu nghệ thuật hát bội, không gian nghệ thuật sân khấu cải lương, đờn ca tài tử, phong cách đồng quê với mái nhà tranh, cây xoài, cây khế, ván tre… giúp người xem dễ cảm nhận, cảm xúc với tác phẩm. Đây cũng là điểm đặc biệt, khác lạ và độc đáo của Nhà trưng bày tượng sáp nghệ sĩ Việt Nam so với một số bảo tàng tượng sáp trên thế giới…
Bên cạnh trưng bày, tại đây cũng sẽ thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ, tọa đàm về văn học nghệ thuật và gặp gỡ các văn nghệ sĩ vào dịp cuối tuần, góp phần làm phong phú, đa dạng hoạt động trưng bày, thu hút công chúng đến tham quan, tìm hiểu, thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật.
Nhà trưng bày cũng là sự ghi nhận và tôn vinh những đóng góp to lớn của các nghệ sĩ trong hoạt động giữ gìn và thúc đẩy phát triển văn hóa nghệ thuật nước nhà qua các thời kỳ. Các nghệ nhân cũng đang dự định sẽ bắt tay thực hiện tiếp kế hoạch thực hiện bộ sưu tập Tượng sáp 54 dân tộc anh em.
THÚY BÌNH