“Phép màu” của phim ngắn Việt
“Siêu bất ngờ”, đó là nhận xét của đạo diễn trẻ Nguyễn Phạm Thành Đạt về doanh thu phòng vé của Đàn cá gỗ. Thậm chí có thời điểm, phim còn giành ngôi đầu về lượng vé bán ra trong ngày (hơn 50.000 vé).

“Thực ra tôi vốn không có ý định phát hành thương mại bộ phim này, nhưng khi MV Phép màu - nhạc nền của phim, phổ biến trên mạng, thu hút rất nhiều người ủng hộ, tôi mới liều đưa phim ra rạp”, Thành Đạt chia sẻ. Anh cũng cho biết, do đặc thù phim chỉ dài 30 phút nên rất nhiều vấn đề phải tính toán lại, từ thời gian chiếu, số lượng suất chiếu đến giá vé đều rất khác biệt với các phim ra rạp khác.
Đàn cá gỗ kể về hành trình của Cường, chàng trai miền biển phải gác lại đam mê âm nhạc để chăm lo cho gia đình. Phim là câu chuyện dịu dàng về tình yêu, khát vọng và những lựa chọn khó khăn trong cuộc sống. Trên mạng xã hội, bộ phim là chủ đề được thảo luận sôi nổi. Điểm mạnh của phim được đánh giá nằm ở câu chuyện giản dị đầy cảm xúc, bối cảnh đẹp, tiết tấu phim nhanh. Tuy nhiên, nhiều khán giả nhận xét, phim còn thiếu cao trào, giải quyết tình huống bỏ ngỏ và diễn xuất chưa thật sự đồng đều. Nếu nhìn ở khía cạnh tích cực, những tranh cãi xoay quanh Đàn cá gỗ vừa là điều tất yếu và thiết yếu. Bất cứ bộ phim nào khi khởi chiếu mà tạo ra làn sóng bình luận trái chiều, chứng tỏ phim đã nhận được sự quan tâm của khán giả, còn hơn lặng lẽ “không kèn, không trống” ra rạp và rời rạp.
Nhưng, nói như chính đạo diễn, sức lan tỏa của phim có nguyên nhân quan trọng ở nhạc phim. Ca khúc chủ đề Phép màu, do diễn viên chính Nguyễn Quốc Hùng sáng tác và thể hiện, đang thu hút hơn 39 triệu lượt xem, hơn 229.000 lượt yêu thích và hàng ngàn bình luận tích cực trên YouTube. Nhiều bình luận nhận xét MV và bài hát xúc động, du dương và thậm chí khiến họ rưng rưng nước mắt. Có người đang ở hoàn cảnh ngặt nghèo của cuộc sống tâm sự, họ được truyền cảm hứng, tinh thần lạc quan và mong mình cũng sẽ có “phép màu” riêng.
Cơ hội cho dòng phim nghệ thuật
Dù Đàn cá gỗ chỉ chiếu trong một tuần nhưng dư âm lại rất sôi động. Một trong những vấn đề được nhiều người nhắc đến là sự thất vọng khi ra rạp vì yêu thích bài hát, nhưng lại không thấy ở phim những điều mà mình mong chờ. Tuy nhiên, giới phê bình lại khá ủng hộ tác phẩm và cho rằng, vấn đề không nằm ở chính bộ phim mà ở môi trường nơi phim đến với khán giả.
Một nhà phê bình phim cho biết, đây là dạng phim nên được chiếu ở các rạp dành riêng, nơi có khán giả đến với tâm thế muốn thưởng thức loại phim này, chứ không phải là ở một rạp phim thương mại thuần túy. Câu chuyện của Bên trong vỏ kén vàng cũng là một ví dụ điển hình, dù nhận rất nhiều giải thưởng tầm quốc tế, trong đó có cả giải thưởng lớn của Liên hoan phim Cannes (Pháp) nhưng khi ra rạp, phim nhanh chóng thất bại về doanh thu cùng những lời phàn nàn như “khó hiểu”, “vừa xem vừa buồn ngủ”…
Dẫu còn nhiều tranh cãi nhưng có thể xem Đàn cá gỗ vẫn là một tín hiệu đầy lạc quan, thậm chí mang tính tiên phong, mở đường cho việc phát hành một bộ phim ngắn. Hiện mỗi năm, điện ảnh trong nước sản xuất khá nhiều phim ngắn nhưng đầu ra lại rất hạn chế. Việc đưa phim đến các rạp chiếu thương mại rất khó khăn, gần như không thể. Chủ yếu là đưa phim lên mạng miễn phí, hay chiếu ở các giải thưởng, chương trình giao lưu về điện ảnh, liên hoan phim…
Trên thực tế, không chỉ với phim ngắn, các phim tài liệu, phim chiếu phục vụ nhu cầu chính trị, xã hội… hiện cũng chưa có một hệ thống rạp chuyên biệt để trình chiếu phục vụ khán giả có nhu cầu. Bên cạnh đó, việc chiếu ở các rạp dạng này còn là một phép thử cần thiết để đo phản ứng của khán giả trước khi chiếu rộng rãi. Đây cũng là một trong những nền tảng cơ sở của một nền công nghiệp điện ảnh phát triển, điều mà công nghiệp điện ảnh Việt Nam đang hướng đến.
Biết là khó, nhưng khi thị trường đã có một “phép màu”, đồng nghĩa phim ngắn hoàn toàn có tiềm năng và cơ hội để đến với đông đảo khán giả. Vấn đề tiên quyết vẫn nằm ở chất lượng khi bộ phim phải thực sự chạm đến người xem. Chuyện thành - bại doanh thu phòng vé khi đó hoàn toàn nằm trong tay khán giả.