Nhà và chỗ ở

Nhà và chỗ ở

Ngày mới tiếp quản 1954, Hà Nội trùng điệp ngói nâu tường cũ những con phố cổ, những biệt thự êm đềm ở khu phố tây nhưng thực ra lại rất ít nhà. Những ngôi nhà của chủ cũ di cư vào Nam được chia năm sẻ bảy cho cán bộ công nhân viên ở kháng chiến về. Nhà của tư sản sau cuộc cải tạo tư bản tư doanh cũng thế. Tất cả biến thành chỗ ở chật chội của những người mới.

Nhiều người Hà Nội bỏ lại nhà cửa đi theo kháng chiến về cũng chỉ được nhận những chỗ ở khiêm nhường như những người khác. Chỗ ở được phân chia theo cấp bậc cán bộ. Thứ trưởng trở xuống phải ở ghép vài ông trong một số nhà.

Vài chục năm sau đó là cuộc chiến tranh chống Mỹ, người Hà Nội yên tâm với chỗ ở của mình. Chẳng ai nghĩ đến nhà cửa làm gì giữa một trời bom đạn. Việc mua bán đổi chác hầu như không diễn ra. Xây dựng mới lại càng không. Tầng 2 mặt phố Tràng Tiền có nhiều khu tập thể được chia cho cán bộ cấp thấp theo cách chưa từng có. Ngăn cách giữa hai gia đình chỉ là một tấm ri đô. Bên này xi con tè thì trẻ con bên kia sẽ đái dầm. Bên kia ru con thì bên này trẻ lăn ra ngủ. Phải phát vào mông vài cái mới đút hết đĩa bột.

Minh họa: P.S

Đến giữa thập niên 70, Hà Nội mới bắt đầu rục rịch xây những khu nhà tập thể cao tầng quy mô lớn. Cán bộ viên chức được nhà nước cho thuê để ở với giá tiền thuê hàng tháng bằng độ hai bát phở. Căn hộ phần lớn có diện tích 24m2 chia làm hai phòng, đã là hạnh phúc lắm rồi. Cũng chỉ những người thâm niên công tác hoặc mới được thăng chức là có tiêu chuẩn. Cán bộ sống ở Hà Nội với gia đình bố mẹ hiếm khi đến lượt. Lúc ấy có ca dao vỉa hè “Ông nhỏ ở cái nhà thật to/Ông to ở vài ba nhà nhỏ…”.

Khái niệm về ngôi nhà trở lại với dân phố vào khoảng thập niên 90 khi nền kinh tế bắt đầu mở cửa. Người ta không còn băn khoăn sợ hãi lắm về cụm từ “kinh tế bất minh” trước đó vài năm còn là lý do để khám xét tịch thu nhà cửa, đồ đạc. Những người làm ăn giàu có chủ yếu là những gia đình mặt phố dần dà mua lại chỗ ở của những hộ bên trong số nhà. Họ đập ra xây lại. Hà Nội bắt đầu mất đi vẻ đẹp của ngói nâu tường cũ êm đềm. Thay vào đó là nhà hộp mái bằng mặt tiền trát đá rửa.

Những toán thợ đá rửa Đà Nẵng kéo nhau ra làm không hết việc. Phong trào đá rửa lan sang cả các cơ quan công sở. Thành phố xầm xì xám ngoét một màu xi măng lốm đốm mụn. Nhưng thời kỳ này kéo dài chẳng được bao lâu. Khí hậu ẩm ướt đã nhanh chóng biến cái mặt tiền đá rửa trở thành vườn ươm rêu. Mùa đông rêu chết khô biến mặt phố thành những anh hề lang ben không thể rửa sạch. Nhiều nhà phải quét vôi đè lên đá rửa.

Dân phố bắt đầu nghĩ đến ngành kiến trúc cũng trong giai đoạn này. Nhà nhà cho con cái thi vào trường kiến trúc. Nhưng ở đấy vẫn chỉ là những ông thầy được đào tạo bởi nền kiến trúc Nga có quá nhiều khác biệt với thẩm mỹ người Việt. Đại khái họ có hình mẫu kiến trúc cho một nhà văn hóa cấp huyện và đem xây dựng ở tất cả các huyện.

Cung văn hóa lao động Hữu nghị Việt - Xô ở Hà Nội là một ví dụ. Nhưng dân phố buộc lòng phải nhận ra ngay lập tức những kiến trúc cộng đồng lớn như vậy không phù hợp với quỹ đất mình có. Và nhà cửa vẫn đang phải gấp rút xây dựng lên. Thành phố hoàn toàn đánh mất thẩm mỹ kiến trúc của mình. Hình như đến tận bây giờ vẫn chưa tìm lại được?

Đầu tiên là vài ngôi nhà chóp nhọn củ hành theo kiến trúc Nga cổ điển mọc lên mé đường Yên Phụ, Nghi Tàm. Lối kiến trúc ấy lập tức trở thành mốt cho cả những ngôi nhà trong phố. Đến nỗi có một nữ nhà báo phải thốt lên “Eo ơi, Hà Nội chóp!”. Tiếp đó đến những ngôi nhà xây theo dạng thức Hy Lạp - La Mã cổ điển với đặc trưng là cái trán hồi tam giác (Fronton) như đền Parthenon vậy. Nhiều ngôi nhà hẹp ngang có cái trán hồi tam giác gợi liên tưởng đến một cô ngực lép cao kều đội nón lá đuỗn đuồn.

Tiếp nữa là kiến trúc thuộc địa Pháp với ngói xám lợp trên tầng áp mái và gờ chỉ hoa văn diêm dúa. Vài anh còn sáng tạo thêm những con vật đậu trên nóc nhà theo kiểu sư tử có cánh ở Nhà hát lớn. Nhưng trình độ điêu khắc mới chỉ dừng lại ở đại bàng xi măng và gà trống dát vàng. Căn nhà đã đi quá xa với khái niệm dùng để ở.

Đã có nhiều đại gia Hà thành mua đất xây dựng biệt thự sân vườn ở những miền quê xa. Cả năm chỉ vài ba lần lên ở. Vật nuôi họ chọn là con ngỗng. Ăn cỏ vườn và uống nước ao. Chẳng cần chăm sóc. Những con ngỗng thuần hóa này có nguy cơ tiến hóa ngược để lại trở thành ngỗng trời!

Thế nhưng vẫn buộc phải có nhà vườn. Chỉ để sáng sáng uống cà phê ở khu căn hộ cao tầng trong phố có cái mà mơ mộng thi ca, “Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái/Một tiếng trên không ngỗng nước nào” (Thu vịnh - Nguyễn Khuyến).

12-2014

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục