Nhà văn Lưu Vĩ Lân: Sống không vô danh nhưng cần kín đáo

Sau khi được vinh danh tại Giải thưởng văn xuôi năm 2021 của Hội Nhà văn TPHCM, tiểu thuyết Nghiệp chướng (NXB Hội Nhà văn) của nhà văn Lưu Vĩ Lân (ảnh) tiếp tục được trao giải A - Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật năm 2021 của Liên hiệp Các hội VH-NT Việt Nam. 
Nhà văn Lưu Vĩ Lân: Sống không vô danh nhưng cần kín đáo

Đây là tác phẩm độc lập nhưng nằm trong một mạch chuyện theo dạng thức trilogy (tác phẩm bộ ba), được ra mắt trong 3 năm liên tiếp, gồm: Mật đạo (2018), Ngẫu tượng (2019) và Nghiệp chướng (2020). 

* PHÓNG VIÊN: Chạm ngõ văn chương không bao lâu, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, tiểu thuyết Nghiệp chướng của ông liên tục được trao giải cao nhất. Ông có nghĩ đây là sự tưởng thưởng xứng đáng cho mình?

* Nhà văn LƯU VĨ LÂN: Tôi viết vì yêu thích sự viết thôi, chứ không phải vì danh tiếng hay giải thưởng. Tôi may mắn được cố nhà văn Lê Văn Nghĩa đọc và tiến cử Nghiệp chướng lên Hội đồng văn xuôi của Hội Nhà văn TPHCM. Sau đó, Hội đồng văn xuôi đề xuất lên Liên hiệp Các hội VH-NT Việt Nam. Tất cả là may mắn, giống như người ta nói “Thiên thời địa lợi nhân hòa” vậy. Đương nhiên, trước đó cũng phải là nỗ lực làm việc từ cá nhân nữa. 

* Lúc làm báo, ông được đồng nghiệp đánh giá cao vì tính phát hiện. Ở địa hạt văn chương, ông muốn bạn đọc nhớ về Lưu Vĩ Lân như thế nào?

* Tôi muốn sống như một người ẩn dật. Giống như người ta nói, sống không vô danh nhưng cũng cần phải kín đáo. Tôi không có ý định xây dựng hình ảnh gì về mình, tôi chỉ có những tác phẩm. Những tác phẩm đó là những bài báo, tiểu thuyết. Tôi muốn đóng góp bằng chính những tác phẩm của mình. 

* Ba tác phẩm ra đời trong 3 năm liên tiếp, vừa có thể đọc độc lập, nhưng lại có thể nối kết với nhau trở thành một mạch chuyện xuyên suốt. Từ đâu, ông có ý tưởng về tác phẩm bộ ba? 

* Ngay từ ban đầu tôi đã có ý tưởng đó rồi. Bởi vì 3 tác phẩm khai thác 3 cột mốc lịch sử của giai đoạn hơn 40 năm từ 1943 cho đến 1987. Thực ra, hình thức trilogy rất bình thường và quen thuộc ở phương Tây, chỉ là ở Việt Nam chưa có nhiều người tiếp cận. Về phần mình, tôi chỉ có một thay đổi nhỏ, thay vì gửi vào đó những suy niệm, triết lý như cuốn đầu tiên, thì ở 2 cuốn sau, tôi thấy cần phải viết khác một chút để dễ đọc hơn.

Thành ra 2 cuốn sau, tôi dùng văn phong khác, mà tôi gọi nó như một bức tranh ấn tượng, không đào sâu quá vào những chi tiết. Hai cuốn sau, tôi viết đơn giản và ngắn hơn. Bây giờ người ta không có thì giờ để đọc nhiều, nên mình viết độ 200 trang đổ lại là vừa. 

* Theo đuổi hình thức trilogy, ông xem đó là cuộc chơi cho mình hay cho độc giả?

* Tất cả là chuyện của tôi hết. Tôi không có ý định viết để bán sách hay để đoạt giải, đơn giản viết là chuyện của riêng mình. Khi bạn ngồi viết mà nghĩ rằng viết cho người khác thì đừng nên viết. Tôi vẫn thường chia sẻ với mọi người, mỗi lần đến bên bàn viết trong tôi luôn có cảm giác nôn nao như đi gặp người tình. Hạnh phúc và sung sướng lắm. Nội việc tôi viết và hạnh phúc là đủ rồi, không cần gì thêm! 

* Quay trở lại với tác phẩm vừa được trao giải của ông. Sau ngày đất nước thống nhất, có biết bao bộn bề lẫn khó khăn, vì sao ông chọn viết về công cuộc làm ăn của các nhà tư sản dân tộc, mà không phải là một vấn đề nào khác?  

* Tôi cho rằng, câu chuyện lớn nhất sau năm 1975 chính là kinh tế, còn lại là một số tàn dư của vấn đề học tập, cải tạo, rồi vấn đề vượt biên. Những điều đó chỉ là quán tính của lịch sử thôi, còn thực ra cải tạo kinh tế mới là vấn đề lớn nhất của lịch sử Việt Nam từ năm 1975 cho đến bây giờ.

Theo Karl Marx, vận động của lịch sử là vận động của kinh tế. Khi kinh tế thay đổi, tư liệu sản xuất thay đổi, quan hệ sản xuất thay đổi thì lịch sử thay đổi. Dù thế nào đi nữa, kinh tế vẫn là vấn đề quan trọng. Đến giờ này, tất cả những gì chúng ta đang làm cũng là vì kinh tế. 

* Phải đến gần 60 tuổi, ông mới bắt đầu viết tiểu thuyết, liệu có muộn quá không? Và độc giả có thể chờ đợi thêm ở nhà văn Lưu Vĩ Lân những bất ngờ gì?

* Tôi nghĩ là không muộn. Theo tôi, đó chính là giai đoạn chín muồi để có thể viết được tiểu thuyết. Đương nhiên có những tài năng 20, 30 tuổi, họ viết về thời đại của mình, có những mãnh liệt của họ và không ít người thành công. Nhưng đối với cá nhân mình, nhất là với những tác phẩm đã ra mắt, tôi nghĩ cần phải có sự chín muồi và không có gì là muộn cả. 

Năm nay, tôi đã hơn 60 rồi và đã viết xong cuốn thứ 4. Chắc ít tháng nữa sẽ ra mắt. Khi hoàn thành bộ ba tác phẩm: Mật đạo, Ngẫu tượngNghiệp chướng, cũng là kết thúc giai đoạn nói về những người cũ, cuốn thứ 4 tôi sẽ viết về những thế hệ tiếp theo để tiến đến hiện tại.

Nếu trời đất thương, còn cho sống tiếp thì tôi sẽ còn viết mãnh liệt lắm. Dĩ nhiên, mình phải giữ một tâm trạng, một sức khỏe tốt; chứ ăn rồi đi nhậu nhẹt suốt ngày thì làm sao mà viết được.

Trong lễ tổng kết và trao Giải thưởng Văn học năm 2021, khi nhắc đến tiểu thuyết Nghiệp chướng của nhà văn Lưu Vĩ Lân, nhà văn Trầm Hương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, đánh giá: “Nghiệp chướng mang lại một sinh khí mới mẻ, một ma lực hấp dẫn về một chủ đề thoạt nghe rất khô, rất cũ về kinh tế, chính trị.

Nghiệp chướng góp một tiếng nói thuyết phục vào tiến trình hòa hợp, hòa giải dân tộc; giải ảo những giá trị mà nhiều người còn mơ hồ; giải mã những bí ẩn lịch sử Sài Gòn - TPHCM những năm đầu giải phóng, với bước chuyển mình đầy đớn đau của những tầng lớp tư sản, trí thức, cả thành phần được xem là tệ nạn xã hội trong nỗ lực tìm kiếm hạnh phúc, khẳng định giá trị con người”.

Tin cùng chuyên mục