Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nhà văn Trang Thế Hy, NXB Trẻ đã phối hợp cùng Hội Nhà văn TPHCM và Hội văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu tổ chức buổi tọa đàm về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Trang Thế Hy, người được ví von là “người hiền của văn chương Nam bộ”.
Bẩm sinh tinh tế
Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM Lê Quang Trang cho rằng, nhà văn Trang Thế Hy chuyên viết truyện ngắn, ký và cũng thành công nhất trong lĩnh vực này. Văn ông rất có duyên, trong trẻo, giàu hình ảnh, có thể một phần là do năng khiếu bẩm sinh của một nhà văn có óc quan sát tinh tế khi quan sát và diễn đạt, một phần là do ông học tập và ảnh hưởng nhiều của văn học Pháp. Ông được coi là bậc thầy của việc sử dụng phương ngữ trong văn chương của các cây bút vùng Nam bộ, bởi sự hóm hỉnh và tính chuẩn mực về liều lượng.
Chân dung nhà văn Trang Thế Hy.
Có thể chia văn ông thành 3 thời kỳ sáng tác, tuy nhiên sự chia này chỉ thuần túy liên quan đến hoàn cảnh sáng tác chứ không ảnh hưởng đến tính nhất quán trong tác phẩm. Đó là thời kỳ từ sau Hiệp định Gèneve đến khoảng năm 1962 - 1963, ông sáng tác khi hoạt động hợp pháp trong lòng địch tại Sài Gòn. Ở đây, dưới sự kìm kẹp, theo dõi của kẻ thù, những trang văn của ông viết nhẹ nhàng, kín đáo nhưng đã vạch trần được những bất công, tiềm ẩn vẻ đẹp của con người lương thiện trong xã hội đương thời, khơi gợi lòng yêu quê hương đất nước, đòi hòa bình, chống chiến tranh. Khi ra chiến khu, ông tự do sáng tác, bộc lộ lý tưởng nghệ thuật, sáng tác gắn bó hơn với cuộc chiến đấu của đồng bào và bày tỏ tấm lòng nhân đạo cao cả mà ông theo đuổi. Sau ngày đất nước thống nhất, văn của ông có điều kiện để thể hiện những suy ngẫm nhiều mặt của cuộc đời trên cái nền của cuộc sống vốn đa dạng và phong phú. Qua một nhân vật của mình (trong truyện ngắn Tiếng khóc và tiếng hát) ông thể hiện quan điểm sáng tác của mình: “Hiện thực đau buồn nhắc nhở người cầm bút đừng bao giờ đánh mất cái điểm tựa đáng tin cậy của mình là nỗi đau khổ lớn của đám đông thầm lặng.
Đơn giản, mộc mạc
Đánh giá về văn chương của Trang Thế Hy, đạo diễn Lê Văn Duy, người đã đọc và quen biết nhà văn qua nhiều thời kỳ kể rằng dù ở đâu thì văn Trang Thế Hy luôn được bạn đọc yêu thích. Đây là điều rất hiếm hoi vì các nhà văn khác dù được hâm mộ nhưng vẫn có sự phân chia dòng bạn đọc khác nhau. Còn nhà thơ Cao Xuân Sơn nhận định, Trang Thế Hy là một trường hợp đặc biệt không chỉ của văn học Nam bộ mà với cả nước vì thực tế ông đã không sáng tác từ rất lâu, khoảng gần 20 năm nhưng vẫn được đọc, được nhớ. Nhà nghiên cứu Huỳnh Như Phương cũng cho biết, đó chính là một trong ba đặc điểm nổi bật của văn Trang Thế Hy, văn của ông không bị lệ thuộc vào các khác biệt văn hóa, chính trị, dù ở đâu Sài Gòn trước 1975 hay vùng chiến khu, sau giải phóng hay khi đất nước mở cửa, người đọc vẫn thích tác phẩm của ông.
Minh chứng cho nhận định này, bạn đọc Đường Thị Ái Hoa, một người yêu mến văn Trang Thế Hy kể lại, lần đầu bà biết đến nhà văn qua tạp chí Nhân loại và kể từ đó, văn Trang Thế Hy đi cùng với cuộc đời bà. Với bà, văn của ông đơn giản mộc mạc nhưng hàm chứa những cách nhìn rất riêng, rất độc đáo về cuộc sống đặc biệt là cách nhìn tuy u buồn nhưng lại đầy lạc quan. Chính vì thế, mỗi khi gặp những điều khó khăn, bà lại tìm tới văn Trang Thế Hy để tìm cho mình sức mạnh vượt qua gian nan. Bà nhớ mãi câu văn của ông: “Cái gì cũng bán được trừ niềm tin tưởng trong lòng mình”.
Nhà thơ Cao Xuân Sơn nhận xét: Văn ông được yêu mến vì khi viết ông không đặt những tư tưởng to lớn, vĩ đại mà ông viết như ông sống, viết vì đam mê của mình. Ông sáng tác không nhiều nhưng nếu xét về tỷ lệ thì trong văn học Việt Nam ít có ai viết về nghề viết văn như ông. Ông viết về mối quan hệ xã hội với văn chương, chính trị với văn chương, bạn đọc với văn chương và cả nhà văn với văn chương… Ông có một ý rất hay là coi nhà văn khi sáng tác giống như là người bào chế thuốc giảm đau cho xã hội. Có lẽ vì thế, sáng tác của Trang Thế Hy dù mang màu sắc u buồn nhưng không hề bi lụy, nó đưa người đọc đến và cảm nhận nỗi buồn nhưng luôn chất chứa sự hy vọng. Ông từng nhận xét: “Hẩm hiu không phải là nỗi bất hạnh của nhà văn, bất hạnh là khi nhà văn không dám đối đầu với nó”.
Có một chi tiết được nhiều người nhắc đến là trách nhiệm sáng tác của ông. Nhà nghiên cứu Huỳnh Như Phương cho biết ông sáng tác ít, tính ra mỗi ngày ông chỉ viết vài dòng. Chính vì thế, ông có chăm chút cho tác phẩm của mình. Nhà thơ Cao Xuân Sơn đi sâu hơn khi nhận xét rằng Trang Thế Hy có cách viết rất độc đáo, có thể nói ông là người viết câu dài nhất trong số các nhà văn. Tuy nhiên, dài nhưng không rối mà ngược lại mỗi chữ đều rất bắt, được ông nâng lên đặt xuống. Có người ví von câu dài của ông như tàu lá dừa của Bến Tre quê ông, dài nhưng gọn gàng với những nhánh sắp hàng ngay ngắn. Và một chi tiết rất lạ là khác nhiều nhà văn Nam bộ khác, văn của ông được đánh giá là rất sang trọng và đậm chất văn chương.
|
TƯỜNG VY