Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong - Huyền thoại Ví, Giặm

Ngày 24-9, tại Hà Nội, NXB Văn học đã ra mắt cuốn sách về nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong. Cả một đời tâm huyết, tận hiến sức lực, trí tuệ cho dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh nói riêng, cho văn hóa Nghệ Tĩnh nói chung; nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong (1929-1990) đã để lại một kho tàng nghệ thuật hơn 30 tác phẩm kịch bản sân khấu ở các thể loại chèo, cải lương, kịch hát và hoạt cảnh dân ca Ví, Giặm.
Tạo đàm ra mắt sách về nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong
Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong sinh năm 1929 tại làng Vân Tập, xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An; trong một gia đình Nho học thuộc chi họ Nguyễn Trung, dòng họ văn chương hiếu học, liên tục 7 đời khoa bảng. Được thừa hưởng tinh hoa, trí tuệ của dòng họ Nguyễn Trung và của quê hương xứ Nghệ, kết hợp với niềm đam mê nghệ thuật. Khi trưởng thành, ông tham gia phong trào văn nghệ quần chúng tại Diễn Châu, sáng tác, đạo diễn các hoạt cảnh và từng lên sân khấu biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân. Năm 1950, Nguyễn Trung Phong tham gia cách mạng, năm 1952 vào làm việc ở Ty Tuyên truyền Nghệ An.
Với năng khiếu bẩm sinh, Nguyễn Trung Phong đã cho ra đời nhiều tác phẩm ở nhiều thể loại như cải lương, chèo, hoạt cảnh và kịch dân ca. Hơn 40 năm cống hiến cho văn hóa xứ Nghệ, ông đã để lại hơn 30 tác phẩm dân ca từ hoạt cảnh đến cả những vở kịch hát. Từ một người nông dân chất phác, yêu thích hát Ví, Giặm; ông trở thành một diễn viên rồi trở thành nhà biên kịch, nhà quản lý văn hóa nghệ thuật tài ba cho đến khi về hưu, lúc nào ông cũng dành trí tuệ, sức lực, tâm huyết cho văn nghệ. Nhiều tác phẩm của ông đã vươn lên tầm cao nghệ thuật sân khấu xứ Nghệ và sân khấu quốc gia vào những thập kỷ từ 60 đến 80 của thế kỷ trước. Với tình yêu con người, yêu quê hương, đất nước sâu sắc, tinh tế của người nghệ sĩ nông dân, ngòi bút của Nguyễn Trung Phong đã lần lượt cho ra đời những tác phẩm xuất sắc như vở Cô gái sông Lam, Khi ban đội đi vắng, Bài ca ra trận...
Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong - Huyền thoại Ví, Giặm ảnh 2 Cuốn sách góp phần làm sáng rõ thêm nhiều công trình và đóng góp của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong
Tổng biên tập báo Kinh tế Đô thị Nguyễn Minh Đức - Chủ biên cuốn sách "Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác giả - Tác phẩm" chia sẻ: Các tác phẩm của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong đã khắc họa thành công hình tượng người chiến sĩ cách mạng những năm 30-31; khắc họa đời sống văn hóa tinh thần thời xây dựng CNXH; trong một số tác phẩm đã nhen nhóm xây dựng con người mới, trong một xã hội mới và đấu tranh cho cái cũ, nghèo nàn, lạc hậu. Với 3 đặc điểm như vậy, về âm nhạc, dân ca, tác giả Nguyễn Trung Phong chuyển thể từ dân ca dân gian lên chính kịch... Ông cũng là người dẫn dắt, đào tạo và tạo ra một thế hệ tài năng cho các văn nghệ sĩ xứ Nghệ.

“Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong là một tài năng đáng nể trọng, người mở đầu và mở đường cho việc đưa dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh từ hình thức trình diễn, đối đáp truyền thống thành tác phẩm kịch hát với dung lượng nội dung tư tưởng, nghệ thuật mở rộng, sâu sắc và có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn. Nguyễn Trung Phong cũng là một điển hình về thắp sáng ngọn lửa đam mê, sáng tạo, cống hiến trọn đời vì sự nghiệp văn học, nghệ thuật của xứ Nghệ và của đất nước”, TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương nhận định.

Cùng chung nhận định này, NSND Lê Tiến Thọ cũng cho rằng, nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong là một trong những tác giả sáng tác về kịch bản chèo và dân ca xứ Nghệ có danh tiếng. “Những tác phẩm của ông như Cô gái sông Lam và một số kịch bản của tác giả như Trần Đình Môn đã tạo ra được hình tượng người con gái thời kỳ cách mạng”, NSND Lê Tiến Thọ nói.

Những tác phẩm của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong có chèo cải lương, dân ca Ví, Giặm… ra đời từ những năm 60 nhưng đến giờ trong mỗi lần xét phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho các nghệ sĩ đều có bóng dáng của những tác giả nổi tiếng, trong đó có Nguyễn Trung Phong. Đặc biệt, bài dân ca “Giận mà thương” trong vở kịch “Khi ban đội đi vắng” được nhạc sĩ Vi Phong ký âm và từ đó được lan truyền khắp cả nước, thậm chí vượt qua biên giới chinh phục bạn bè quốc tế. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận sau đó đã kế thừa làn điệu “Giận mà thương” để viết nên ca khúc nổi tiếng “Trông cây lại nhớ đến Người”.

Nhiều nhà nghiên cứu khi viết về ông đã cho rằng, Nguyễn Trung Phong đã sống một cuộc đời nhiều cống hiến sáng tạo nhưng bản thân ông lại luôn lặng lẽ, giản dị, khiêm nhường. Cuộc đời sự nghiệp của Nguyễn Trung Phong có lẽ sinh ra để viết, ngoài những tác phẩm đã được công bố, hiện còn nhiều tác phẩm kịch bản chưa công bố và có những tác phẩm còn viết dở dang được lưu giữ tại gia đình. Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong đã đi xa, giờ chỉ còn lại những ký ức vẻ vang về một thời trên sân khấu, còn lại những tác phẩm sống mãi trong lòng công chúng xứ Nghệ và cả nước. NSND Lê Tiến Thọ tin rằng, những đóng góp có giá trị của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong sẽ được nhìn nhận và tôn vinh xứng đáng với những giải thưởng cao quý của Nhà nước.

Tin cùng chuyên mục