Nhạc kịch Vũ điệu dưới trăng - Làm mới bằng âm nhạc

Nhạc kịch Vũ điệu dưới trăng - Làm mới bằng âm nhạc

Sân khấu kịch Phú Nhuận vừa ra mắt khán giả vở diễn Vũ điệu dưới trăng (tác giả: Diệp Tiên - Đinh Mạnh Phúc; đạo diễn: Hòa Hiệp; cố vấn nghệ thuật: NSND Hồng Vân), với sự tham gia diễn xuất của nghệ sĩ Quốc Thảo, Hòa Hiệp, Hồng Ngọc, Lê Lộc, Hữu Tín, My Trần, Duy Anh, Xuân Nghị, Đinh Mạnh Phúc, Hoàng Long, Lu Dương... Với cách làm mới kịch kinh dị bằng thể loại nhạc kịch, đạo diễn Hòa Hiệp đã tạo nên sự khác lạ trong phong cách trình diễn phục vụ khán giả.

Điểm tựa tinh thần của con trẻ

Người dẫn chuyện - ca sĩ Nguyễn Lê Bá Thắng, đã đưa khán giả đến với hoàn cảnh ngang trái của gia đình ông Ba: bà Lan “địa ốc” - vợ ông Ba, là người phụ nữ hiện đại, làm ăn giỏi, tính tình tự cao tự đại, luôn coi thường và xúc phạm chồng vì chồng thua kém vợ về khoản kiếm tiền, không lo nổi cho gia đình. Sau những tháng ngày sống trong tủi nhục, uất ức, từng ngày cảm nhận tình yêu gia đình rơi vào ngõ hẹp, ông Ba đã yếu mềm sa vào mối tình éo le với vợ của người bạn thân - ông Sáu, để rồi bỏ bê gia đình… Mối liên kết giữa những con người trong gia đình dần rời rã, bà Lan “địa ốc” cũng nhanh chóng tìm kiếm những mối tình với “phi công trẻ” để thỏa mãn nhu cầu tâm sinh lý, tính ích kỷ và cái tôi quá lớn của mình. Trong khi đó, gia đình ông Sáu - một người chồng suốt ngày rượu chè be bét, thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với vợ con, cũng chẳng được ấm êm. Người vợ vì chịu không nổi sự khổ đau oan trái trong tình yêu, trong hạnh phúc gia đình nên ôm đứa con gái nhỏ bỏ đi…

Cảnh trong vở nhạc kịch Vũ điệu dưới trăng.

Cảnh trong vở nhạc kịch Vũ điệu dưới trăng.

Chính những người làm cha mẹ thiếu trách nhiệm, có lối sống ích kỷ, chỉ biết chăm lo cho bản thân với những đam mê và thú vui riêng ấy đã tạo nên một khoảng trống tình cảm gia đình to lớn trong tâm trí, suy nghĩ và cuộc sống của mỗi đứa con. Bọn trẻ cứ thế dần lớn lên trong bao ký ức buồn của tuổi thơ thiếu thốn tình yêu gia đình, thiếu thốn tình cảm cha, mẹ… Đến sinh nhật lần thứ 18 của cô con gái nhỏ - bé Thảo, bà Lan và bé Thảo đột ngột mất tích. Ông Ba lặng lẽ sống khép mình, căn biệt thự xinh đẹp đã trở nên hoang phế, u ám. Từ đó, căn nhà của ông Ba bị đồn là ngôi nhà ma…

Với nội dung, cách dàn dựng mang nhiều yếu tố ly kỳ, tình tiết gay cấn, kịch tính, vở nhạc kịch Vũ điệu dưới trăng chuyển tải một thông điệp thật gần gũi với đời sống con người, gia đình thời đại mới: Chính cái tôi quá lớn và lối sống ích kỷ là nguyên nhân khiến những người làm cha mẹ tự tay đánh mất hạnh phúc gia đình mình, cuộc sống rơi vào bế tắc, những đứa trẻ phải sống trong sự thiếu thốn tình cảm.

Làm mới bằng nhạc kịch

Vở diễn Vũ điệu dưới trăng không có nhiều tình tiết gây rùng rợn, sợ hãi cho khán giả. Ngược lại, khán giả có không ít những tiếng cười thú vị qua các chiêu trò trình diễn khá duyên của dàn diễn viên sân khấu kịch Hồng Vân, đồng thời cũng tạo cho khán giả những khoảnh khắc cùng suy ngẫm về cuộc đời, tình người.

Nhạc kịch không phải là một thể loại mới, nhưng gần đây mới được một số sân khấu trong nước đưa vào dàn dựng. Sự phối hợp giữa kịch với âm nhạc được xem như một cách làm tươi mới món ăn tinh thần, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khán giả, đồng thời góp phần tạo nên không khí của sân khấu. Với phong cách nhạc kịch, tuy mỗi sân khấu có cách thể hiện khác nhau, nhưng bước đầu, ít nhiều, thể loại mới này cũng tạo nên những hiệu ứng thú vị dành cho khán giả. Vũ điệu dưới trăng sử dụng âm nhạc làm cầu nối chuyển tiếp các cảnh trong vở diễn, âm nhạc cũng thể hiện tâm trạng và cảm xúc của nhân vật… đã tạo nên sự gần gũi, dễ cảm hơn với khán giả. Bên cạnh đó, vở kịch còn cuốn hút người xem bởi phong cách diễn xuất của nghệ sĩ Quốc Thảo, Hòa Hiệp, Hồng Ngọc, Duy Anh, cùng dàn diễn viên trẻ năng khiếu, dễ thương, tươi mới của sân khấu kịch Hồng Vân.

NSND Hồng Vân từng chia sẻ rằng, chị cũng rất băn khoăn khi chọn con đường phát triển sân khấu kịch của mình theo thể loại kịch kinh dị. Chính vì thế, trong thời gian qua, sân khấu kịch của chị đang dần có những bước chuyển mình trong công tác dàn dựng và trình diễn các vở kịch mới. Đằng sau những bi kịch ẩn chứa những bí ẩn, bất ngờ, cùng những chiêu trò của âm thanh, ánh sáng huyền ảo, không gian u tịch… thì hàng loạt nội dung vở diễn đều xoáy sâu vào những sắc thái đa dạng, sinh động của đời sống thực tiễn, những số phận - cuộc sống nhân vật rất đời, rất người, gần gũi với khán giả, cuộc sống hiện đại.

Vở nhạc kịch Vũ điệu dưới trăng cũng gửi gắm những yếu tố như thế đến người xem bằng một kết thúc có hậu. Đó là sự hối hận của những bậc làm cha mẹ, những con người từng sống ích kỷ, từng vô tình hay cố ý gây nên những nỗi đau trong cuộc sống gia đình họ và cả những gia đình khác. Chính sự ân hận, tình yêu thương, sự bao dung giữa người với người đã giúp bao tâm hồn tội lỗi được thứ tha, những bước chân lầm lỡ được định hướng, quay về nẻo ngay lối thẳng, bao nụ cười con trẻ lại rạng ngời trong vòng tay yêu thương của người thân, dưới mái ấm gia đình.

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục