"Hoàn toàn ủng hộ chủ trương chuyển đổi 112.000ha đất trồng lúa. Trước mắt, các địa phương cần giảm diện tích đất lúa ở những vùng năng suất thấp sang trồng màu hoặc nuôi thủy sản có thị trường tiêu thụ. Chính phủ sẵn sàng hỗ trợ để việc chuyển đổi đất trồng lúa có hiệu quả”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh như trên trong chuyến làm việc mới đây với các tỉnh, thành ĐBSCL.
Như vậy, đây được xem là cú “nhấn nút” chính thức để khởi động chương trình giảm tải cho diện tích đất trồng lúa, giải tỏa phần áp lực đang chồng chất lên khâu tiêu thụ lúa hàng hóa hiện nay. Con số 112.000ha là số liệu tổng hợp từ đề xuất của các địa phương trong vùng. Thực tế, theo Bộ NN-PTNT, diện tích lúa đông xuân vụ này đang giảm. Thống kê tại 3 tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang, Bạc Liêu đã chuyển 8.500ha lúa sang trồng khoai lang, bắp, rau…
“Một năm Việt Nam phải nhập 2 triệu tấn bắp để làm thức ăn chăn nuôi. Chuyển đất lúa sang trồng bắp, khoai lang, giá trị và thu nhập cao gấp 3 - 4 lần trồng lúa, tại sao không có đề án chủ trương, không có chích sách?”, ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, nói khá bức xúc.
Theo ông Nguyễn Văn Khang, một doanh nghiệp tại Tiền Giang đã nói: Nếu chuyển dịch lúa sang trồng bắp lai, doanh nghiệp này sẽ cung cấp giống bắp lai không thu đồng nào để hỗ trợ nông dân.
“Hiện nay cây bắp trong nước có thể cạnh tranh về giá thành sản xuất để thay thế nhập khẩu. Nhưng cây đậu tương đang gặp khó khăn về giống, năng suất không cạnh tranh lại nhiều nước khác”, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nhận định.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hiện nay Việt Nam phải nhập đậu tương của Argentina, vì năng suất giống đậu tương của nước này cao hơn Việt Nam. “Trong giai đoạn nước rút tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đòi hỏi phải tập trung cho khâu sản xuất giống để tăng tính cạnh tranh”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Dư luận đang quan tâm đến ngưỡng đề xuất hỗ trợ 2 triệu đồng/ha đất trồng lúa chuyển sang trồng các loại cây khác. Về đề xuất này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu ngành chức năng nhanh chóng nghiên cứu trên cơ sở tham khảo ý kiến các địa phương để đưa ra mức hỗ trợ hợp lý. Theo đó, phải tính đến khâu cải thiện cơ sở hạ tầng sản xuất, nhu cầu giống… phải làm đồng bộ, toàn diện các giải pháp đề ra.
Có ý kiến cho rằng: Chuyện khó khăn trong việc tìm đầu ra cho lúa gạo hiện nay cũng là cơ hội để Việt Nam - nhất là vựa lúa ĐBSCL nhìn lại chiến lược phát triển cây lúa ở ngưỡng nào là hợp lý. Việc chuyển một phần diện tích đất trồng lúa sang trồng màu sẽ có thêm động lực trong bối cảnh các địa phương đang khẩn trương hoàn thiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với mô hình sản xuất hiệu quả. Nhu cầu chuyển đổi đất trồng lúa là nhu cầu cấp bách từ nông dân đến chính quyền, các chính sách hỗ trợ chuyển đổi cũng đã sẵn sàng.
Điều then chốt còn lại chính là khâu tiêu thụ. Đây là khâu quan trọng nhất trong chuỗi sản xuất nông sản thường bị “nghẽn” như hiện nay. Vấn đề là ngành công nghiệp chế biến thức ăn Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội và “bắt tay” với nông dân chuyển đổi đất lúa sang trồng màu ra sao mà thôi!
CAO PHONG