Nhận quà tặng, nhưng không nộp

Theo Thanh tra TPHCM, quy định về việc tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng của cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng ngân sách Nhà nước của cán bộ, công chức, viên chức theo Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ sau gần 7 năm thực hiện nhưng có rất ít trường hợp sai phạm bị xử lý.

Trong báo cáo của UBND các quận huyện và sở ngành TP nhiều năm qua đều nói không phát hiện được đơn vị nào sử dụng công quỹ làm quà tặng và cũng không có cá nhân nào vi phạm việc nhận quà và nộp lại quà tặng phải xử lý. Đánh giá này được cho là không phản ánh đúng thực chất việc dùng công quỹ làm quà tặng và việc nhiều cán bộ, công chức, viên chức nhận quà tặng có giá trị nhưng không nộp lại xảy ra tại nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thời gian qua.

Thực chất, việc tặng quà và nhận quà tặng của cán bộ, công chức, viên chức hiện nay với hình thức rất đa dạng, bằng nhiều cách và giá trị được tính bằng hiện vật và hiện kim rất lớn. Thử đặt câu hỏi: trong mỗi dịp tết, có bao nhiêu cơ quan, đơn vị, tổ chức không dùng công quỹ để làm quà tặng; bao nhiêu cán bộ, công chức, viên chức không tặng quà và nhận quà tặng? Câu trả lời là rất khó xác định được. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy chính quyền các cấp cho biết, việc tặng quà cho sếp vào dịp lễ, tết từ lâu đã thành lệ, không thể không tặng. Quà tặng có thể là chai rượu vài triệu đồng, cái phong bì vài trăm ngàn đồng, hoặc có khi vài ngàn USD, một món đồ trang sức đắt tiền, chiếc điện thoại iphone, ipad… Cách tặng quà cho sếp cũng khác xưa rất nhiều. Nếu là quà tặng có giá trị thì chẳng ai dại gì đưa trực tiếp sếp, thông thường là người nhà, hoặc người thân tín của sếp đứng ra nhận. Còn đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tặng quà cũng có rất nhiều cách và rất ít nơi công khai dùng công quỹ để làm quà tặng. Quà tặng được chuyển hóa thành những chuyến xuất ngoại đầu năm dưới danh nghĩa tham quan, học tập kinh nghiệm, chiếc ô tô đời mới, lô đất, căn hộ, phần vốn góp ảo trong các công trình, dự án, hoặc đứng tên sáng lập viên doanh nghiệp nào đó… Với những món quà có giá trị và cách tặng kín đáo này, rất khó có cơ quan chức năng nào phát hiện được và cũng rất hiếm cán bộ, công chức, viên chức tự giác đem nộp lại món quà mà người thân trong gia đình mình đã đứng ra nhận.

Cách nay 2 năm, có 2 cán bộ cấp phường của quận 12 bị phát hiện và xử lý kỷ luật vì đã không nộp lại một món quà tặng có giá trị hơn 10 triệu đồng. Có lẽ, đây là trường hợp hiếm hoi bị xử lý về hành vi này. Để Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện nghiêm, cần thiết phải có cơ chế giám sát, kiểm tra chặt chẽ và xử lý thật nghiêm những cá nhân, đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp vi phạm quy định này. Có như vậy mới ngăn chặn và từng bước dẹp bỏ được vấn nạn tặng quà và nhận quà tặng - mà thực chất là hành vi tham nhũng đang diễn ra tràn lan hiện nay.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục