Ảnh hưởng của Mỹ tại Mỹ Latinh một lần nữa bị thử thách khi Colombia, nước đồng minh thân cận nhất của Washington trong khu vực, đang bước vào cuộc bầu cử tổng thống gay cấn mà ứng cử viên thân Mỹ có ít cơ hội chiến thắng.
Các cuộc thăm dò dư luận về cuộc bầu cử tổng thống tại Colombia, sẽ diễn ra vào ngày 30-5 tới, đều cho thấy ứng cử viên của đảng U (đảng Đoàn kết) cầm quyền Juan Manuel Santos, người kế thừa chính sách thân Mỹ của Tổng thống đương nhiệm Alvaro Uribe và từng được Mỹ đào tạo, tuy có khả năng lọt vào vòng 2 nhưng sẽ thua ứng cử viên trung tả đối lập Antanas Mockus.
Ông A.Mockus được đánh giá là một chính trị gia cá tính, từng đảm nhiệm tốt cương vị thị trưởng Bogota trong 2 nhiệm kỳ, được coi là một hình mẫu lãnh đạo chống tham nhũng. Ông đại diện cho đảng Xanh, nhưng trên hết là cho một liên minh mới mẻ biểu tượng cho một sự đổi mới về chính trị. Ông Mockus là người hứa hẹn thay đổi một xã hội đang bị hủy hoại bởi “văn hóa” buôn lậu ma túy và đề cao giá trị phẩm giá của người dân, giáo dục và tính minh bạch trong chính phủ.
Ứng viên J.M.Santos là chính trị gia từng giữ nhiều chức bộ trưởng (Ngoại thương, Tài chính và Quốc phòng). Santos là con cờ rất quan trọng của Mỹ trong cuộc bầu cử này vì nếu đắc cử, ông sẽ giúp Mỹ tiếp tục duy trì 4 hợp đồng quân sự đã ký với Tổng thống Uribe, cho phép Mỹ duy trì các căn cứ quân sự và triển khai quân đội bất cứ lúc nào trên lãnh thổ Colombia. Và quan trọng hơn, ông Santos có mối quan hệ “cơm chẳng lành” với nhiều nhà lãnh đạo láng giềng (đặc biệt là Venezuela và Ecuador). Tổng thống Venezuela H.Chavez từng cảnh báo, quan hệ giữa Venezuela và nước láng giềng Colombia sẽ xấu đi tới mức “có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh” nếu ứng viên J.M.Santos đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Cuộc thăm dò mới nhất của Trường Đại học Medellin ở Colombia cho thấy ông Mockus sẽ dẫn trước ông Santos trong vòng 1 (tỷ lệ tương ứng là 37,4% và 32,9% phiếu bầu) và giành chiến thắng trong vòng 2 (41,4% và 36%). Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà quan sát, kết quả cuối cùng có thể còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác, đặc biệt là các “nhân tố bên ngoài”.
Theo mạng Global Research, Nhà Trắng hiện đang tỏ ra lo lắng vì Washington đang sử dụng Colombia như là một bàn đạp mới nhằm chống lại các thành viên nhóm Liên minh Bolivia vì các dân tộc châu Mỹ (ALBA) gồm 8 nước cánh tả Mỹ Latinh (Honduras đã rút khỏi liên minh sau khi Tổng thống cánh tả Zalaya bị lật đổ bằng một cuộc đảo chính quân sự).
Báo chí Mỹ cho biết từ năm 2000, Colombia đã nhận 6 tỷ USD viện trợ quân sự của Mỹ. Vì vậy Washington không thể nào để bao nhiêu công sức của mình đổ sông đổ biển. Dù ông Santos là một con cờ mong manh trong ván cờ bầu cử lần này, nhưng nước cờ mà Mỹ chơi sẽ không mong manh. Trong trường hợp xấu nhất, họ sẽ tiến hành một “gói” các biện pháp can thiệp với một số biến thể của “cuộc cách mạng màu” nhằm dẫn đến thay đổi kết quả, mà trường hợp mới đây nhất là vụ đảo chính ở Honduras hồi tháng 6-2009
VIỆT ANH