Nhân xem Romeo và Juliet của Nhà hát TNT: Gợi mở nhiều phương thức hội nhập

Đêm đầu tiên ra mắt khán giả TPHCM tại rạp Công Nhân, Romeo và Juliet đã để lại trong lòng người xem những ấn tượng về vẻ đẹp sân khấu thuần khiết, một sân khấu dân gian, mộc mạc, giản dị và sâu sắc.
Nhân xem Romeo và Juliet của Nhà hát TNT: Gợi mở nhiều phương thức hội nhập

Đêm đầu tiên ra mắt khán giả TPHCM tại rạp Công Nhân, Romeo và Juliet đã để lại trong lòng người xem những ấn tượng về vẻ đẹp sân khấu thuần khiết, một sân khấu dân gian, mộc mạc, giản dị và sâu sắc.

Đây là dịp để khán giả trẻ được tiếp cận với hình thức sân khấu dân gian châu Âu: Hài kịch mặt nạ Ý qua các hình tượng nhân vật Mercutio, nhũ mẫu đầy tính cách tiêu biểu của người hầu trong Comedia del Arte và tất nhiên cả các tính cách gia nhân, đầy tớ, thầy tu của hai dòng họ Montaigu và Capulet.

Phong cách diễn chuyên nghiệp của Nhà hát TNT Vương quốc Anh cho ta thấy tận mắt cách trình diễn của một thứ nghệ thuật đậm chất dân gian, dựa vào biểu diễn của người diễn viên là chính. Không cảnh trí, không ánh sáng và các hiệu quả về màu sắc, cường độ, sân khấu Anh này buộc ta liên tưởng đến sân khấu “chiếu chèo” của lưu vực sông Hồng. Cũng sân khấu trống lược giản đến tối đa. Người xem hòa vào diễn xuất của nhân vật. Sân khấu TNT ở đây chính là thứ sân khấu lấy diễn xuất làm trọng tâm. Trên sàn diễn là một sân khấu nhỏ hơn được thể hiện ước lệ bằng tấm rèm che ngăn cách hậu trường với sân khấu…

Và sau đây là những gì diễn ra trên sân khấu diễn Romeo và Juliet.

Cảnh trong vở “Romeo và Juliet” của Nhà hát TNT.

Cảnh trong vở “Romeo và Juliet” của Nhà hát TNT.

… Diễn viên mang mặt nạ xuất hiện từ sau tấm rèm, tiến ra sân khấu bày biện bối cảnh là những chiếc bục gỗ vuông, tự đứng lên bục để diễn. Diễn xong lại tự dọn cảnh và trở về hậu trường sau bức rèm. Hành động kịch nối tiếp nhau diễn ra liên tục, trong những không gian tượng trưng do các mặt nạ bố trí rất khéo, khiến người xem không bị gián đoạn do chờ đợi chuyển cảnh.

Rồi chính các mặt nạ ấy lại xuất hiện trong các nhân vật chính khi là Romeo, khi là Mercutio hay ngài Capulet, khi là bá tước Paris hay là mẹ của Juliet. Những mặt nạ đã che đi bộ mặt thực của diễn viên, cho phép họ hóa thân vào các nhân vật, các tính cách khác nhau… Có điều để thực hiện vai trò đa chức năng ấy, người diễn viên phải hội tụ trong mình nhiều khả năng như ứng diễn, múa hát, đấu gươm, nhào lộn như xiếc giống như các nghệ nhân thời Trung cổ, thời người nghệ sĩ tự coi mình và cũng được người đời coi là những người hát rong (histrion).

Từ góc nhìn dân gian ấy bỗng nhận ra một điều lý thú: đó là sự gần nhau giữa Đông và Tây, giữa tả thực và tượng trưng ước lệ. Đông và Tây đều tìm được tiếng nói, phương cách chung để tiếp cận khán giả. Sân khấu có một thứ ngôn ngữ phổ thông dễ hiểu cho phép tổ chức các cuộc giao lưu, trao đổi giữa các nước không cùng tiếng nói bằng các phương tiện và phương thức hoạt động linh hoạt.

Chúng ta đã từng làm như vậy và hôm nay Nhà hát TNT cũng đang làm như vậy. Và cuộc gặp giữa Đông và Tây cho thấy để đến được với nhau giao lưu, trao đổi văn hóa nghệ thuật phải có phương tiện gọn nhẹ ít tốn kém cho mình và cho bạn; kịch phải ẩn chứa những vấn đề nhân loại, ngôn ngữ nghệ thuật phải giản dị, dễ hiểu theo phương châm diễn sao cho ai cũng hiểu.

Nghệ thuật diễn của diễn viên là thế mạnh của sân khấu – qua diễn xuất của diễn viên, sân khấu mang tới người xem những suy nghĩ về cuộc sống. Cách diễn của các nghệ sĩ đoàn TNT Anh quốc là cách diễn gần với chúng ta nhất, sân khấu của họ chúng ta cảm nhận được, thậm chí trong chúng ta còn cảm thấy tự hào vì cái khoảng cách giữa hai nền sân khấu không lớn. Niềm tự hào ấy cũng đúng bởi về biểu diễn, chúng ta không thiếu những tài năng đẳng cấp. Vấn đề ở đây là có được những ý tưởng hay, tập trung nhau lại sáng tạo, tìm tòi để cuối cùng có thể hội nhập. Romeo và Juliet để lại một cảm giác gần gụi, không xa lạ, xa vời quá.

Tác động tích cực của Romeo và Juliet là đã không làm chúng ta chùn bước, mà ngược lại, sân khấu này đã kích thích những mong muốn tiềm ẩn trong con người nghệ sĩ. Không chỉ mong muốn, mà thực tế chúng ta cũng đã có những công trình nghệ thuật tương tự mang thi thố tại nước ngoài, như “Ông Giuốc-Đanh ở Sài Gòn” đã lưu diễn tại Pháp.

Cũng giống TNT chỉ với 8 diễn viên đóng tất cả các vai trong Romeo và Juliet thì chúng ta cũng đã làm Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga với 4 nghệ sĩ. Cũng phương tiện gọn nhẹ, ít người, nghệ thuật biểu diễn là chính, chúng ta cũng đã gặt hái thành công tại Pháp.

Ông Giuốc-Đanh trước đây hay Romeo hôm nay đều mở ra hướng hội nhập cho sân khấu nếu chúng ta chịu học hỏi, chịu khám phá tìm ra những phương thức mới để sân khấu hoạt động và hội nhập.

Đạo diễn Trần Minh Ngọc

Tin cùng chuyên mục