Trong Chiến lược An ninh quốc gia sửa đổi, Chính phủ khẳng định Nhật Bản đang phải đối mặt “với môi trường an ninh phức tạp và xấu nhất” kể từ Thế chiến thứ II. Xuất phát từ thực trạng đó, Chính phủ Nhật Bản nhấn mạnh nước này cần sở hữu năng lực thực hiện các cuộc phản công hiệu quả vào lãnh thổ của kẻ thù như một biện pháp tự vệ tối thiểu. Điều này đánh dấu một sự thay đổi lớn trong chính sách an ninh của Nhật Bản trong thời hậu chiến, vốn trước đó chỉ tập trung vào phòng vệ. Để tăng cường năng lực quốc phòng, Tokyo đặt mục tiêu tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng hàng năm lên tương đương 2%GDP vào tài khóa 2027.
Đối với Chiến lược Quốc phòng của Nhật Bản, văn bản này sẽ thay thế cho Đại cương Chương trình quốc phòng và đóng vai trò định hướng cho chính sách quốc phòng của nước này trong 10 năm tới. Với Chương trình Quốc phòng trung hạn, văn bản này sẽ thay thế chương trình tăng cường quốc phòng trung hạn hiện nay. Theo chương trình này, Nhật Bản sẽ tăng ngân sách quốc phòng trong giai đoạn 2023-2027 lên khoảng 315 tỷ USD, tăng khoảng 109 tỷ USD so với giai đoạn 2019-2023…