Nhặt sạn văn nghệ

Doanh nghiệp không phải là người

Một tờ báo đưa tít bài: “Trưởng phòng đánh doanh nghiệp”. Nội dung bài báo nêu một trưởng phòng đánh giám đốc doanh nghiệp vì mâu thuẫn. Chữ “doanh nghiệp” dùng trong tít này không chính xác. Vì doanh nghiệp không phải là người mà là một tổ chức kinh doanh. Doanh nhân mới là người kinh doanh. Đánh doanh nghiệp là “chơi” để doanh nghiệp đó sập tiệm, làm ăn thua lỗ. Đánh đập bằng vũ lực thì không thể nhằm vào tổ chức (doanh nghiệp) mà phải vào con người (giám đốc hoặc ai đó trong doanh nghiệp). 

CAO PHI YẾN

Duy nhất: chỉ có một

Báo SGGP ngày 21-4-2007 có đăng bài “Chỉ có 500.000 người Việt Nam đi máy bay thường xuyên”, tác giả viết: “Hiện mới chỉ có khoảng 500.000 người trên tổng số hơn 80 triệu dân Việt Nam đi máy bay thường xuyên và chỉ có hai hãng hàng không duy nhất Vietnam Airlines và Pacific Airlines được khai thác đường bay nội địa...”.

Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh (1957) giải nghĩa: “Duy nhất: chỉ có một; độc nhất vô nhị (trang 219)”. Ở đây có đến hai hãng hàng không khai thác đường bay nội địa, sao có thể gọi là “duy nhất” được? Khi nào dùng chữ duy nhất thì chỉ được kể ra một sự kiện mà thôi. Trong câu này, nếu bỏ đi chữ duy nhất thì không sai.

Cũng vậy, khi ta dùng chữ “đơn cử”, chỉ được phép kể ra một việc hay một thí dụ mà thôi, không được kể ra hai, ba thí dụ (Đơn cử: đơn là một; cử: đưa ra cho người ta biết) (Từ điển Hán Việt từ nguyên của Bửu Kế – 1999, trang 630). 

XUÂN HUY

Tin cùng chuyên mục