Nhiều dịch bệnh gia tăng: Người dân còn chủ quan, lơ là

Mặc dù Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp Việt Nam vào nhóm 1 - các quốc gia chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ, tuy nhiên, nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc đã ghi nhận ca mắc căn bệnh này. Trong thời điểm nguy cơ dịch chồng dịch, nhiều người dân, đặc biệt là ở TPHCM, vẫn còn tâm lý khá chủ quan, lơ là trong việc phòng dịch.
Giới thiệu chương trình du lịch đến khách hàng, nhưng nhân viên hướng dẫn không đeo khẩu trang. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Giới thiệu chương trình du lịch đến khách hàng, nhưng nhân viên hướng dẫn không đeo khẩu trang. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thờ ơ với dịch

Trong khi các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đang tích cực tuyên truyền biện pháp phòng chống dịch thì tại nhiều tuyến phố, người dân vẫn thờ ơ với dịch bệnh nguy hiểm. Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, trên địa bàn phường Phạm Ngũ Lão (quận 1), từ sáng sớm, các quán ăn uống, công viên, chợ dân sinh đã đông người ra vào để mua bán, tập thể dục. Tại một số trung tâm thương mại, siêu thị, phố đi bộ... tập trung nhiều người nhưng việc đeo khẩu trang ít người thực hiện nghiêm. Tương tự, tại các chợ dân sinh, vườn hoa, sân chơi… tình trạng người dân bày bán hàng quán, tụ tập đông người, chỉ đeo khẩu trang theo kiểu đối phó vẫn xuất hiện. 

Thống kê của Bộ Y tế, tuần qua, số ca mắc Covid-19 tăng hơn 40% so với tuần trước. Chỉ riêng ngày 9-8, cả nước ghi nhận 2.340 ca mắc Covid-19, tăng hơn 600 ca so với ngày trước đó và là ngày có ca nhiễm mới cao nhất trong vòng 90 ngày qua. Xu hướng gia tăng này được dự báo sẽ còn tiếp tục và hoàn toàn có thể gây quá tải hệ thống y tế. Theo các chuyên gia, 2 biến thể phụ BA.4, BA.5 của biến thể Omicron đã được ghi nhận trong nước, đồng thời đây cũng là biến thể có khả năng lây lan và lẩn tránh hệ miễn dịch cao hơn. Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5 và các biến thể khác để chủ động có biện pháp xử lý kịp thời.

Cùng với Covid-19, dịch sốt xuất huyết (SXH) đang có xu hướng gia tăng. Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước có hơn 130.000 ca SXH với 45 ca tử vong. So với cùng kỳ 2021, số ca mắc SXH tăng 3,2 lần, số tử vong tăng 31 trường hợp. Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong 10 năm qua, tỷ lệ tử vong do SXH ở Việt Nam vẫn ở mức thấp trong khu vực. Tuy nhiên, năm nay, ca tử vong tăng cao so với năm ngoái. Bên cạnh đó, nước ta cũng ghi nhận nhiều ca mắc cúm và chân tay miệng. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận hơn 2.600 trường hợp mắc cúm, đặc biệt, số ca nhiễm cúm A tăng nhanh trong những tuần qua.

Không quyết liệt, hậu quả sẽ nặng nề

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, đánh giá, nguy cơ dịch chồng dịch có thể xảy ra nếu địa phương không chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Hiện nay, nhiều người dân đang có tâm lý coi nhẹ dịch bệnh khi Covid-19 tạm lắng. Để dịch bệnh không bùng phát ngoài tầm kiểm soát, người dân cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp như tiêm vaccine; giữ vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay; có ý thức đeo khẩu trang, giảm bớt các hoạt động tụ tập đông người trong không gian kín, chật; tích cực vệ sinh ngoại cảnh và trong nhà, diệt muỗi và bọ gậy. Trong đó, đeo khẩu trang vẫn luôn là một biện pháp phòng bệnh quan trọng. Bởi đa phần các dịch bệnh hiện nay đều lây qua giọt bắn, tiếp xúc gần. 

Mới đây, trong văn bản hỏa tốc về tăng cường phòng chống dịch bệnh đường hô hấp, Bộ Y tế yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố; bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; các viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur… tiếp tục triển khai thực hiện tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh năm 2022, trong đó, chú trọng đến cúm mùa, Covid-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch cúm mùa, Covid-19 và bệnh lây truyền qua đường hô hấp, triển khai xử lý các ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng; đẩy mạnh giám sát viêm phổi nặng do virus, các chùm ca bệnh cúm tại cộng đồng và cơ sở khám chữa bệnh, kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.

3 tình huống ứng phó dịch đậu mùa khỉ

Theo Bộ Y tế, nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn, việc chuẩn bị tâm thế ứng phó là cần thiết. Hiện, cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đang xây dựng 3 tình huống ứng phó với dịch đậu mùa khỉ:

Tình huống chưa có trường hợp bệnh xâm nhập vào Việt Nam: Các bệnh viện kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, xây dựng kế hoạch phòng chống dịch theo giai đoạn, chuẩn bị cơ sở vật chất, khu vực cách ly, trang thiết bị, nhân lực, thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện cho phòng chống dịch. Đồng thời, xây dựng quy trình nội bộ tiếp đón, cách ly và điều trị người bệnh đậu mùa khỉ; điều trị ca bệnh theo phân tuyến, thực hiện phương án điều trị tại chỗ…

Tình huống có trường hợp bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam: Tổ chức khu điều trị cách ly riêng cho ca bệnh đậu mùa khỉ; cập nhật quy trình nội bộ tiếp đón, cách ly và điều trị người bệnh đậu mùa khỉ phù hợp với thực tế tại cơ sở…

Tình huống dịch lây lan ra cộng đồng: Sẽ mở rộng khu vực cách ly điều trị, tính toán phương án tự cách ly, điều trị tại nhà; sẵn sàng cử đội cấp cứu lưu động và hỗ trợ tuyến dưới, bệnh viện khác khi cần thiết. Đồng thời, sẽ phân loại người bệnh theo mức độ nặng nhẹ để điều trị tại các tuyến phù hợp, hạn chế di chuyển người bệnh…

Tin cùng chuyên mục