
Doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm
Nằm trong danh sách phải di dời theo chủ trương của thành phố và nhiều doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm đã chấp thuận chủ trương, tuy nhiên, việc thiếu khu, cụm công nghiệp và vốn để đầu tư cơ sở mới đang là khó khăn khiến cho việc di dời của các doanh nghiệp vẫn giậm chân tại chỗ.
Băn khoăn không biết đi về đâu?
Tiếp xúc với lãnh đạo các doanh nghiệp, điểm chung mà chúng tôi ghi nhận được là đang băn khoăn không biết đi về đâu? Cộng với việc thiếu vốn để đầu tư cơ sở mới. Bà Đào Liễu Hồng Phới, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nosafood (huyện Bình Chánh) than thở, khó nhất của công ty là địa điểm đến và vốn. Công ty cổ phần Nosafood được thành lập từ năm 1976, trực thuộc Công ty Lương thực miền Nam với ngành nghề sản xuất gia vị. Công ty cũng chấp thuận chủ trương di dời của thành phố, song cái khó nhất của công ty lúc này là chưa tìm được địa điểm. Bên cạnh đó, công ty cũng thiếu vốn để đầu tư cơ sở mới, trong khi nếu chuyển đi thì toàn bộ cơ sở vật chất phải bỏ, cộng với tiền thuê đất mở công ty cũng bị lãng phí, chưa kể là phải tuyển lại lao động, tìm lại khách hàng…

Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP khảo sát tại Công ty Colusa - Miliket.
Điều lo lắng nhất chính là công ty đã liên hệ nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp để di dời mà đến nay vẫn không có đơn vị nào nhận. Ông Võ Văn Út, Tổng giám đốc Công ty Colusa - Miliket (quận Thủ Đức) cho biết, cái khó của công ty là nguồn vốn. Khi chuyển đến chỗ mới kéo theo là phải tuyển dụng lao động và đào tạo lại, tìm mới thị trường, nhà phân phối… gây tốn kém một phần chi phí của công ty. Tương tự, ông Phạm Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Phú Thịnh Sơn (quận 12) chia sẻ, bản thân công ty cũng chấp thuận việc di dời theo chủ trương của thành phố, nhưng cho đến nay vẫn chưa biết “đi đâu, về đâu” vì các khu công nghiệp mà thành phố dự tính di dời doanh nghiệp về đó chưa thống nhất được việc tiếp nhận. Mặt khác, việc tìm kiếm nguồn vốn vay với lãi suất thấp để di dời, mở rộng kinh doanh thì doanh nghiệp cũng đang gặp bế tắc, mặc dù thành phố đã có quyết định hỗ trợ cho các doanh nghiệp ở đây vay vốn ưu đãi để đầu tư kinh doanh, nhưng đến nay chưa có công ty nào nhận được quyết định này. Theo tính toán của anh Sơn, việc đầu tư nhà xưởng mới cũng phải mất gần 3 tỷ đồng mà hiện tại doanh nghiệp chỉ hoạt động với quy mô nhỏ. Giờ nhà xưởng có di dời, gom tất cả các vật dụng ở đây bán phế liệu giỏi lắm cũng được 100 triệu đồng, không đủ cho doanh nghiệp thực hiện việc di dời.
Chủ cơ sở Thành Lộc (quận 12) hoạt động trong lĩnh vực hồ, tẩy, nhuộm cũng bức xúc: Cái khó nhất của cơ sở chính là việc không biết được địa chỉ tiếp nhận để doanh nghiệp ổn định đi vào hoạt động. Điều này đã và đang gây cho cơ sở những khó khăn nhất định như không dám nhận đơn hàng, công nhân ngày làm, ngày nghỉ, ảnh hưởng đến thu nhập của nhiều gia đình. Bản thân cơ sở cũng phải đối mặt với nhiều đoàn kiểm tra liên ngành… Đa phần các cơ sở ở đây chủ yếu là quy mô hộ gia đình nên không có điều kiện đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại, nên hễ kiểm tra là có vi phạm. Cơ sở cũng mong muốn đến vị trí mới có cơ sở hạ tầng tốt hơn để có điều kiện hoạt động bền vững hơn. Chủ cơ sở Thành Lộc tha thiết mong thành phố có những hỗ trợ cụ thể để giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp đang hoạt động ở đây.
Doanh nghiệp tự bơi
Theo các doanh nghiệp, việc thành phố có chủ trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường khỏi khu dân cư là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, với cách làm như hiện nay, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và để thích nghi với thực tế, nhiều doanh nghiệp phải tự bơi để cứu mình. Ông Phạm Hoàng Sơn cho biết thêm, bản thân công ty cũng đang tự liên hệ địa điểm đến cho việc kinh doanh sản xuất được ổn định, song vẫn chưa nơi nào chấp nhận. Đi sớm ngày nào tốt ngày đó cho doanh nghiệp, bởi vì ở lại tháng nào là doanh nghiệp bị xử phạt tháng đó, mỗi lần phạt cả trăm triệu đồng bởi đây là ngành nghề nhạy cảm, không kiểm tra chứ kiểm tra là có vi phạm.
Để doanh nghiệp sớm đi vào ổn định sản xuất kinh doanh, ông Phạm Hoàng Sơn cũng kiến nghị thành phố nên triển khai nhanh và quyết liệt hơn chủ trương này để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, thành phố cũng cần có chính sách hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để doanh nghiệp đủ sức tồn tại. Công ty Colusa - Miliket cho biết, đã chủ động liên hệ để di dời về tỉnh Bình Dương, còn Công ty cổ phần Nosafood thì đang chạy ngược chạy xuôi để tìm địa điểm.
Ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP cho biết, qua khảo sát thực tế mới thấy được những khó khăn, bức xúc của các doanh nghiệp. Mặc dù chủ trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm là đúng, nhưng thành phố cần xem lại kế hoạch, điều kiện, chính sách di dời đã hợp lý hay chưa? Các doanh nghiệp di dời đi đâu là câu hỏi lớn đối với thành phố. Ô nhiễm trong nội thành mình đưa ra ngoại thành, nhưng khi ngoại thành gây ô nhiễm thì đi đâu? Điều quan trọng là thành phố phải xác định được những ngành nghề nào thành phố cần để tiếp tục đầu tư phát triển. Còn những ngành nghề nào không phù hợp thì nên khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi ngành nghề hoạt động. Thực tế phương án di dời chỉ là giải quyết phần ngọn hay nói cách khác là mang ô nhiễm từ nơi này sang nơi khác mà chưa xử lý được tận gốc của việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Minh Hải