Nhiều mã cổ phiếu lớn “nện sàn”, VN-Index mất gần 45 điểm

Sau đợt bán tháo trong phiên trước, thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch ngày 19-4 đã chứng kiến cảnh lực bán tổng lực đẩy ra thị trường khiến thị trường “đỏ lửa” trọn phiên. 
Bảng điện tử chìm trong sắc đỏ và xanh mắt mèo ngày 19-4
Bảng điện tử chìm trong sắc đỏ và xanh mắt mèo ngày 19-4

Trong đó, hàng loạt mã cổ phiếu (CP) vốn hoá lớn trên thị trường bị “nện sàn” khiến VN-Index bị “thổi bay” gần 44 điểm, lọt khỏi mốc 1.100 điểm, tuột thẳng xuống 1.094,63 điểm.

Ngay từ phiên sáng nay, đồng loạt các mã CP vốn hoá lớn nhất thị trường như VIC đã giảm 7.200 đồng/CP,  VCB giảm 2.400 đồng/CP, MSN giảm 4.500 đồng/CP… là những cổ phiếu tác động tiêu cực nhất tới thị trường. Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 23,34 điểm (2,05%) xuống 1.115,19 điểm. HNX-Index giảm 1,88 điểm (1,42%) xuống 130,9 điểm.

Đến phiên chiều, thị trường bị bán tháo không chỉ ở những mã blue-chips mà bị bán tháo trên diện rộng, bất chấp các tin kết quả kinh doanh. Trong phiên chiều, có thời điểm lực cầu bắt đáy khá tốt vẫn xuất hiện nhưng rất nhanh chóng, áp lực bán đã diễn ra ồ ạt sau đó và diễn ra trên diện rộng khiến lao xuống ngưỡng 1.110 điểm. Hàng loạt mã CP lớn “nện sàn” như VIC giảm 6,93% xuống còn 120.900 đồng/CP, MSN giảm 7% xuống còn 93.000 đồng/CP, PLX giảm 6,96% xuống còn 66.800 đồng/CP. Ngoài ra, các mã CP khác như SAB giảm 6,93% xuống còn 212.200 đồng, VCB giảm 5,86% xuống còn 61.000 đồng/CP, BID giảm 5,47% xuống còn 38.000 đồng/CP… khiến thị trường bị nhấn chìm trong sắc đỏ và xanh mắt mèo.

Chốt phiên giao dịch 19-4, VN-Index giảm 43,9 điểm (3,86%), xuống 1.094,63 điểm với chỉ 71 mã CP tăng giá trong khi có tới 215 mã CP giảm giá và 70 mã CP đứng giá. VN30-Index cũng giảm 49,61 điểm xuống còn 1.066,09 điểm với 26 mã CP giảm giá, 1 mã CP tăng giá và 3 mã CP đứng giá. Kết thúc phiên tại sàn Hà Nội, HNX-Index giảm 1,72 điểm xuống còn 131,5 điểm với 109 mã CP giảm giá, 71 mã CP tăng giá và 207 mã CP đứng giá.

Thanh khoản thị trường có được cải thiện so với các phiên trước  đó với tổng khối lượng giao dịch đạt 259 triệu CP, tương đương 8.200 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận góp vào hơn 1.000 tỷ đồng. Các CP ngân hàng có khối lượng khớp lệnh dẫn đầu trên thị trường như CTG khớp 9,5 triệu CP, STB khớp 9,4 triệu CP, SHB khớp 17,3 triệu CP…

Tin cùng chuyên mục