Những thay đổi mới trong Luật Hiện đại hóa ATTP Mỹ có thể gây ra sự sụt giảm đáng kể về kim ngạch xuất khẩu nông sản và thực phẩm của Việt Nam vào Mỹ. Tính đến thời điểm hiện tại, có gần 1.000 doanh nghiệp (DN) Việt Nam bị loại khỏi thị trường này.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Mark Gillin, Phó Chủ tịch Amcham Vietnam, cảnh báo, nhiều DN Việt Nam có nguy cơ bị loại khỏi thị trường Mỹ do không nắm bắt kịp quy định mới về ATTP dành cho sản phẩm nhập khẩu. Đặc biệt là quy định liên quan đến Luật Hiện đại hóa ATTP và sự dịch chuyển trách nhiệm trong điều tra nhập khẩu cá da trơn từ Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) sang Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Theo quy định mới, tất cả các nhà máy sản xuất thực phẩm chế biến phải đăng ký mới hoặc gia hạn đăng ký sau mỗi hai năm, bắt đầu từ năm 2016, trong khoảng thời gian từ 1-10 đến 31-12. Có đến gần 1.000 DN Việt Nam không biết quy định mới này nên đã không đăng ký mới cũng như gia hạn đăng ký và bị rớt khỏi danh sách được xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Theo bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) đã cấp 1.399 giấy chứng nhận lưu hành tự do và chứng nhận y tế cho các sản phẩm thực phẩm xuất khẩu. Trong thời gian tới, bộ sẽ triển khai cấp độ 4 đối với thủ tục hành chính cho sản phẩm xuất khẩu nhằm tạo điều kiện tối đa cho các DN xuất khẩu. Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, giai đoạn năm 2016 - 2017, bộ đã triển khai mạnh các chương trình hành động về ATTP, đặc biệt là tổ chức sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm theo chuỗi liên kết giữa người sản xuất với DN và thị trường.
Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao cũng cho biết hội đang xây dựng bộ tiêu chí “Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập”, dựa trên tổng hợp những tiêu chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng quốc tế có tính phổ quát phù hợp tương đương.
Theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, ngoài những nỗ lực trên, các bộ ngành cần chuyển đổi dần tư duy quản lý theo tiếp cận hậu kiểm thay cho tiền kiểm; Thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ quản lý sản phẩm cuối cùng sang quản lý theo chuỗi, theo quy trình; Thúc đẩy hoạt động truy xuất nguồn gốc ở cấp quốc gia phục vụ quản lý ATTP theo chuỗi. Riêng các DN, cần chủ động nâng cao chất lượng hàng hóa, đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý chất lượng ATTP, rào cản kỹ thuật trong phòng vệ thương mại của các thị trường xuất khẩu.
Bà Ratih Puspitasari, Giám đốc Phụ trách Hợp tác Khoa học và Luật định của Cargill khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, chia sẻ nhu cầu của thế giới về các loại đạm động vật lành mạnh và thực phẩm nhiệt đới ngày càng tăng, vấn đề đặt ra là làm sao nâng cao năng lực cho ngành thực phẩm Việt Nam, thúc đẩy canh tác nông nghiệp bền vững và tuân thủ các yêu cầu mới của FDA.
Theo bà, cần có các chính sách rõ ràng để thúc đẩy ATTP, thực hành tốt về chăn nuôi, kiểm soát chặt điều kiện vệ sinh và môi trường chăn nuôi, đồng thời cần có các quy định nghiêm ngặt về sử dụng thuốc trong chăn nuôi, chăm sóc vật nuôi theo tiêu chuẩn quốc tế, học hỏi phương pháp chăn nuôi từ thị trường thành công.