Nhiều tội phạm tham nhũng sẵn sàng đi tù để giữ tài sản

Chiều 6-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật; phòng chống tham nhũng (PCTN). 
ĐB Mai Thị Phương Hoa: Dù điều tra có nhiều đến đâu, bản án có nghiêm khắc đến mấy mà không thu hồi được tài sản thì bản án chưa có tác dụng
ĐB Mai Thị Phương Hoa: Dù điều tra có nhiều đến đâu, bản án có nghiêm khắc đến mấy mà không thu hồi được tài sản thì bản án chưa có tác dụng

Đáng chú ý, các ý kiến của ĐBQH tập trung thảo luận về nội dung PCTN, trong đó vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng gây bức xúc hơn cả.

Tài sản tham nhũng đi đâu hết?

Thẩm tra về báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN  năm 2017 của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, tỷ lệ thu hồi tài sản vẫn còn thấp. Qua công tác thanh tra thu hồi được 8.765/16.501 tỷ đồng (đạt 54%); qua công tác điều tra, truy tố, xét xử thu hồi được hơn 392/1.521 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 25,8%); qua công tác thi hành án, đã thi hành được 1.154/6.051 tỷ đồng (đạt 19,1%). Vẫn còn đối tượng phạm tội tham nhũng, kinh tế bỏ trốn gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý, gây bức xúc trong dư luận.

Thảo luận về về nội dung PCTN, ý kiến của ĐBQH tập trung rất nhiều đến vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng.

ĐB Mai Thị Phương  Hoa (Nam Định) cho rằng, dân không chỉ quan tâm đến hình phạt đối với tội phạm tham nhũng, mà còn rất quan tâm việc thu hồi tài sản. Dù điều tra có nhiều đến đâu, bản án có nghiêm khắc đến mấy mà không thu hồi được tài sản thì bản án chưa có tác dụng.
Trong khi đó, báo 10 năm công tác PCTN cho thấy, tham nhũng làm thiệt hại hơn 59.700 tỷ đồng và 400 ha đất  nhưng tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng không cao, chỉ được 7,8% số tiền thất thoát và 54,7% đất.  Theo ĐB Hoa, người phạm tội tham nhũng tham vi, phần lớn tài sản được tính toán kỹ, tẩu tán, che giấu, ăn chơi sa đọa. Trong khi đó, qua trình điều tra, xét xử không có những biện pháp để  ngăn chặn tẩu tán tài sản… Vì vậy, ĐB đề nghị mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản. Đồng thời, trong quá trình tố tụng, khi đã phát hiện tài sản do tham nhũng mà có thì cần kiên quyết thu hồi, áp dụng các biện pháp cưỡng chế như kê biên, phong toả tài sản ngay từ đầu để thu hồi tài sản, ngăn chặn tẩu tán.
ĐB Phương Hoa cũng chỉ ra thực tế, có những đối tượng sẵn sàng ngồi tù để bảo toàn tài sản. Trong giai đoạn đầu thanh tra thì tỷ lệ thu hồi tài sản còn cao trong khi đã vào giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử thì tỷ lệ thu hồi càng giảm. Vì thế, trong giai đoạn đầu, cần tăng cường công tác tuyên truyền vận động để thu hồi tài sản, bảo toàn nguồn lực cho nhà nước và nhân dân.
ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cũng cho rằng thu hồi tài sản là một trong  mục tiêu chính của PCTN. Nhưng trong báo cáo của Chính phủ chỉ đưa ra một dòng nhạt nhòa là thu hồi đã được chú ý nhưng hiệu quả còn thấp. Như vụ cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại tập đoàn Vinashin, theo quyết định thi hành án, Phạm Thanh Bình và Trần Văn Liêm phải bồi thường thiệt hại cho các bên liên quan gần một nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đến 7-2017 vẫn chưa thi hành được khoản nào. Hay trong vụ Vinalines, Dương Chí Dũng phải bồi thường 110 tỷ đồng, nhưng báo chí phản ánh đến nay mới thi hành được hơn 21 tỷ đồng.
“Tổng kết 10 năm thi hành luật Phòng chống tham nhũng cho thấy, hơn 92% số tiền tham nhũng bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được”, ĐB Nguyễn Văn Hiển bức xúc.
 Theo  ông, các cơ quan thi hành án cần coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu trong PCTN. Trong báo cáo về công tác PCTN, Chính phủ cần thể hiện một mảng báo cáo độc lập về vấn đề này.
Nhiều tội phạm tham nhũng sẵn sàng đi tù để giữ tài sản ảnh 1 ĐB Nguyễn Văn Hiển cho rằng cần coi thu hồi tài sản tham nhũng là một trong những ưu tiên hàng đầu trong PCTN
 ĐB Phạm Văn Hòa (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cũng đề nghị với những cán bộ đã  “dính” tham nhũng phải xử nghiêm, cho nghỉ việc, thôi chức, không có vùng cấm, quan cũng như dân.  Còn để thu hồi tài sản tham nhũng, ĐB Hòa cho rằng cần nâng cao tuyên truyền, cho phép người có hành vi tham nhũng bị xử tử hình nhưng chủ động nộp lại tài sản tham nhũng được giảm nhẹ, thoát án tử. “Có như thế thì người nhà của đối tượng mới chủ động đem tài sản  mà nộp lại cho Nhà nước”, ĐB Hòa nói.

Kê khai tài sản mà không công khai thì chỉ là hình thức

Bên cạnh vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau), ĐB Trần  Văn Mão (Nghệ An)  và các ĐB khác cũng rất bức xúc với tình trạng kê khai tài sản hiện nay.

Năm 2017 số lượng bản kê khai là rất lớn, nhưng chỉ xác minh đối với 78 người/1.113.422 người đã kê khai (giảm 81,4% so với năm 2016), kết quả xác minh chỉ phát hiện 5 trường hợp vi phạm. 

Trong khi đó, theo phản ánh của báo chí, cử tri cho thấy còn có nhiều trường hợp kê khai không trung thực, không kê khai, nhất là nhiều người không kê khai khi được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định, nhưng không được kịp thời phát hiện, xử lý; việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm trong một số trường hợp còn chưa hợp lý, thậm chí phản cảm, gây bức xúc trong dư luận. Đối tượng thường cho người thân đứng tên, trong khi người dân cũng không tiếp cận được… Thực trạng trên cho thấy, biện pháp phòng ngừa này còn hình thức, hiệu quả thấp. Chưa có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Từ thực tế trên, các ĐBQH đều đề nghị cần quy định một cách đầy đủ, toàn diện hơn về các biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là các nội dung kiểm tra, giám sát, xác minh việc kê khai, trách nhiệm giải trình việc tăng, giảm tài sản, các khoản giao dịch có giá trị lớn; quy định rõ chế tài xử lý đối với người kê khai không trung thực.

ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An) cũng nêu thực tế việc bổ nhiệm người nhà, người thân hiện nay gây bức xúc rất lớn trong nhân dân. ĐB đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tổng rà soát, kiểm tra công tác cán bộ, tập trung vào rà soát về tiêu chuẩn, điều kiện, chứng chỉ, bằng cấp, việc tuân thủ quy trình, bảo đảm dân chủ, công khai trong bổ nhiệm cán bộ; xác định tình trạng, nguyên nhân và có giải pháp khắc phục kịp thời.

Cùng với đó, nhiều ĐB cũng cho rằng, năm 2018, đối với những vụ việc kê khai tài sản, bổ nhiệm cán bộ mà dư luận xã hội và cử tri bức xúc, cần khẩn trương vào cuộc để thanh tra, kiểm tra, làm rõ có hay không có tiêu cực, tham nhũng để sớm kết luận, trả lời công luận, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật; đồng thời cũng kịp thời bảo vệ uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Tin cùng chuyên mục