Nhìn lại “cuộc chiến trong lòng nước Mỹ”

Nhìn lại “cuộc chiến trong lòng nước Mỹ”

Người dân Việt Nam vẫn còn nhớ hình ảnh người Mỹ Norman Morrison đã tự thiêu ngay trước Lầu Năm góc ở thủ đô Washington để phản đối chiến tranh Việt Nam qua bài thơ “Emily, con ơi” của nhà thơ Tố Hữu. Đó là ngày 2-11-1965, 8 tháng sau khi quân đội viễn chinh Mỹ bắt đầu đặt chân vào Đà Nẵng của Việt Nam. Hành động này đã làm bùng lên phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam đã âm ỉ từ lâu ngay trong lòng nước Mỹ. Cùng với phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam trên toàn thế giới, phong trào phản chiến trong lòng nước Mỹ đã góp phần chấm dứt sự can thiệp của quân đội Mỹ vào miền Nam Việt Nam.

Nhìn lại “cuộc chiến trong lòng nước Mỹ” ảnh 1

Trước Lầu Năm góc thường xuyên diễn ra các cuộc biểu tình phản đối Mỹ xâm lược Việt Nam.
 

Theo hồi tưởng của vợ của Norman Morrison, bà Anne Morrison Welsh, vào buổi sáng hôm đó, Morrison bế con gái thứ ba của mình, bé Emily, 1 tuổi, đi đến trước Lầu Năm góc. Sau đó, ông đặt Emily xuống, gửi cho một người trong đám đông xung quanh, đổ dầu lên người và châm lửa.

Trong cuốn hồi ký của mình, McNamara viết: “Cái chết của Morrison không chỉ là bi kịch cho gia đình anh ta mà còn cả cho tôi và nước Mỹ. Đó là một tiếng kêu gào chống lại những giết chóc đang hủy hoại cuộc đời của những người Mỹ và người Việt”.

Phong trào phản chiến bắt đầu từ đầu thập niên 1960, nhưng không gây ấn tượng nhiều. Cho đến khi Morrison tự thiêu vào năm 1965, thì dường như cả thế giới mới biết đến.

Ngày 15-11-1969, bốn năm sau đó, một cuộc tuần hành 250 ngàn người nổ ra ở đại lộ số 5 trung tâm New York, chỉ cách Quảng trường Thời đại (Times Square) vài dãy phố. Cùng lúc là hàng loạt các cuộc xuống đường ở nhiều thành phố lớn tại cả bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ.

Cuộc biểu tình này vượt tầm kiểm soát của chính quyền Mỹ. Các quan chức Mỹ hỏi nhau: chuyện gì đang xảy ra và tại sao? Trước đó, người Mỹ chỉ nghe về cuộc chiến tranh Việt Nam qua loa tuyên truyền của chính quyền Mỹ. Nhưng cho đến cuộc tấn công mùa xuân 1968, báo chí Mỹ, đặc biệt là truyền hình Mỹ đã truyền tải hình ảnh cuộc chiến Việt Nam đến tận từng gia đình người Mỹ. Người Mỹ nhìn thấy tận mắt binh lính họ châm lửa đốt nhà dân thường, bắn chết người vô tội, những em bé bị bom na pan bốc cháy, tòa đại sứ Mỹ bị tấn công, binh lính Mỹ kéo lê xác đồng đội…

Họ tự hỏi: Tại sao lại như thế và lính Mỹ đang hy sinh vì cái gì, người Mỹ mang dân chủ đến Việt Nam như thế sao? Và người dân Mỹ khẳng định Mỹ không thể thắng trong chiến tranh Việt Nam. Phong trào phản chiến lan nhanh không chỉ trong dân chúng mà cả trong quân đội Mỹ. Theo trang web của Phong trào chống chiến tranh Việt Nam, đã có hàng trăm sĩ quan Mỹ bị bắn vì phản đối chiến tranh, nhà tù Mỹ bị đốt và hàng ngàn lính Mỹ từ chối tham gia chiến đấu.

Nhìn lại “cuộc chiến trong lòng nước Mỹ” ảnh 2

Hình ảnh phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam vẫn tiếp tục đi theo các cuộc biểu tình chống chiến tranh ngày nay.

Phong trào phản chiến bước sang một bước ngoặt mới khi cuộc biểu tình của sinh viên Đại học Kent State (bang Ohio) ngày 4-5-1970 đã bị Vệ binh quốc gia Mỹ đàn áp. Kết quả là 4 sinh viên bị bắn chết và 9 người khác bị thương.

Việc này gây sốc toàn nước Mỹ. Hàng trăm thành phố nổi dậy, có thể nói cả một thế hệ thanh niên và trung niên, đặc biệt cộng đồng người gốc Phi và người gốc Mỹ Latinh, đã tham gia phong trào phản chiến. Đó thật sự là cuộc chiến ngay trong lòng nước Mỹ.

Tổng cộng có hơn 200 tổ chức chống chiến tranh xâm lược ở trên khắp các bang ở Mỹ, 16 triệu trong số 27 triệu thanh niên Mỹ đến tuổi quân dịch đã chống lệnh quân dịch, 2 triệu người Mỹ “gây thiệt hại bất hợp pháp” vì chống chiến tranh xâm lược Việt Nam, 75.000 người Mỹ bỏ ra nước ngoài vì không chịu nhập ngũ và đấu tranh chống chiến tranh xâm lược, trong đó có cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton.

Phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam được xem là hình mẫu của phương cách tập hợp quần chúng ở các nước phương Tây. Phong trào chống toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây đã từng rút kinh nghiệm từ phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam.

Có thể nói, báo chí đã đóng vai trò rất quan trọng trong phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam. Cũng từ vai trò của báo chí Mỹ trong phong trào này, Chính phủ Mỹ đã ý thức được rằng cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa giới truyền thông. Và từ đó, trong các cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, cuộc chiến Nam Tư, Afghanistan rồi Iraq mới đây, thông tin về cuộc chiến của báo chí Mỹ bị kiểm soát chặt chẽ.

Cựu Tổng thống Mỹ Nixon đã thú nhận: “Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, giới cầm quyền Mỹ không phải chỉ thua trên chiến trường mà còn thua ngay trên nước Mỹ, ở các hành lang của quốc hội, trong phòng ăn các công ty, trong các phòng giám đốc của các tổ chức nghiên cứu, chủ bút của các tờ báo và của hệ thống vô tuyến truyền hình, trong các hội trường ở Gorge Town, các phòng khách của “những người đẹp” ở New York và trong các lớp học của các trường đại học lớn. Đó là những tầng lớp đã đưa lại sức mạnh, bảo đảm thắng lợi cho Mỹ trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất và lần thứ hai, nhưng đã làm cho Mỹ thất bại một trong những cuộc chiến đấu trọng yếu nhất của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba, đó là Việt Nam...”. 

QUỲNH NHƯ tổng hợp

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã được thế giới ủng hộ mạnh mẽ bằng nhiều hình thức hết sức phong phú. Trong đó, có:

* Hơn 10 Ủy ban quốc tế đoàn kết với Việt Nam của các tổ chức dân chủ, tôn giáo và tổ chức xã hội trên toàn thế giới.

* Hơn 200 tổ chức, ủy ban, phong trào đoàn kết ủng hộ Việt Nam ở hầu hết các nước trên thế giới.

* Hơn 30 hội nghị quốc tế về Việt Nam và nhiều hội nghị quốc tế khác đã dành thời gian thảo luận bàn biện pháp để ủng hộ Việt Nam.

* Một Ủy ban quốc tế và hơn 20 ủy ban quốc gia điều tra tội ác chiến tranh của Mỹ ở Đông Dương đã được thành lập. Họ đã cử nhiều đoàn sang Việt Nam điều tra tội ác chiến tranh xâm lược và mở nhiều tòa án quốc tế xét xử những tội ác chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, nhóm họp nhiều lần ở Thụy Điển, Đan Mạch, Pháp...

* Hàng trăm nước có mít tinh, biểu tình, bãi công chống Mỹ xâm lược Việt Nam.

* Hơn 50 nước có phong trào quyên góp ủng hộ Việt Nam.

* Hơn 160 triệu người ở nhiều nước ghi tên tình nguyện sang Việt Nam đánh Mỹ.

* 16 nước có phong trào hiến máu ủng hộ Việt Nam.

* 48 người ở bốn nước tự thiêu (trong đó có 16 công dân Mỹ) để phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam.

* 83 cơ quan đại diện Mỹ ở các nước bị người dân đập phá, cờ Mỹ bị nhân dân ở 73 nước đốt để phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục