Năm 2012 đang khép lại, sân khấu TPHCM dường như vẫn còn đứng trước nhiều bế tắc...
Hiếm vở diễn hay
Trong năm 2012, đa phần các sân khấu đều tung ra những vở kịch sinh hoạt hoặc những vở mang hơi hướng kinh dị, ma quái… Nếu không đi theo xu hướng này thì phải dàn dựng, làm mới những vở diễn cũ. Có “bầu” sân khấu tâm sự, trong lúc thiếu kịch bản hay đành dàn dựng lại “hàng cũ” vẫn tốt hơn. Hiện nay không có tác giả viết kịch bản sân khấu vì họ bận lao vào viết kịch bản phim có thu nhập cao hơn. Theo nhìn nhận của đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc, năm 2012, sân khấu TPHCM ít có những sáng tạo nào mới, không có những dấu ấn thật sâu đậm, thiếu không khí sôi nổi, hừng hực lửa nghề của các nghệ sĩ.
Mặc dù vậy, nếu như “so bó đũa chọn cột cờ” thì sân khấu TPHCM năm 2012 cũng có một vài vở diễn đáng xem. Trong số hiếm hoi này có thể kể đến vở Vương thánh triều Lê do Sân khấu Kịch IDECAF dàn dựng và vở Làm… của Sân khấu Kịch Phú Nhuận… Còn ở lĩnh vực cải lương, năm 2012 là dịp tốt để sàn diễn có vẻ sôi nổi trở lại khi có Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2012. Tuy nhiên, sau sự kiện này, tiếc là sân khấu cải lương vẫn thưa những suất diễn thường xuyên. Duy chỉ có một số nghệ sĩ năng động tìm hướng đi mới với mô hình cải lương lưu diễn phía Bắc và cải lương phòng trà là còn tương đối đáng khích lệ.
Vì sao đìu hiu?
Theo đạo diễn Hoàng Duẩn, sở dĩ sân khấu năm 2012 lâm vào cảnh đìu hiu là do hầu hết các đơn vị nghệ thuật đều bị động diễn viên, có ít thời gian tập tuồng nên khó lòng hấp dẫn khán giả. Bên cạnh đó, lực lượng nghệ sĩ chạy sô đóng phim ngày càng nhiều. Theo “bầu” Huỳnh Anh Tuấn của Sân khấu Kịch IDECAF, nghệ sĩ xuất hiện nhiều trong phim truyền hình nên lúc trở lại sàn diễn họ diễn như người mất hồn, diễn cho có diễn để hoàn thành công việc chứ hoàn toàn thiếu sự tâm huyết, thiếu sự thăng hoa trong nghệ thuật. Dường như với những nghệ sĩ này, sân khấu không còn là thánh đường cho sự sáng tạo!
Nghệ sĩ Khánh Hoàng, Giám đốc Nhà hát Kịch TPHCM, nhìn nhận, đã lâu rồi, khán giả không còn cái cảm giác của sự tò mò, thú vị muốn khám phá mỗi khi đến với sân khấu nữa. Bởi sân khấu phơi bày ngày càng nhiều chuyện bếp núc và những điều giấu kín sau tấm màn nhung nên đã làm vơi đi sự thi vị và thần thánh hóa khi tiếp xúc với hình tượng các nhân vật. Chắc chắn rằng, khi nhắc đến sự trầm lắng, thụt lùi của các sân khấu TPHCM trong năm 2012 có nhiều lý do. Tuy nhiên, có một điểm chung nhất là vấn đề con người. Lâu nay, việc đầu tư đào tạo các thế hệ nghệ sĩ kế tục làm sân khấu chưa được chú trọng, đặc biệt là đội ngũ diễn viên.
Một “bầu” sân khấu ở TPHCM nhận xét, cho dù đạo diễn có tài ba đến đâu, kịch bản có hay cách mấy mà trong tay không có quân - diễn viên thì cũng coi như bằng không. Nếu cứ đà này, theo đánh giá và nhận định của đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc, sân khấu TPHCM sẽ dễ rơi vào tình cảnh bế tắc.
Vân An