Trong cả cuộc đời, anh Trần Quang Dũng (Ba Dũng - ảnh) đã cống hiến hết sức mình phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và của ngành ngân hàng. Đồng chí là người cán bộ liêm chính trong quản lý, dũng cảm, mưu trí, gan dạ trong chiến đấu, hết lòng thương yêu, chân tình chia sẻ gian khó cùng chiến sĩ đồng đội, anh em cán bộ nhân viên. Anh Ba luôn trung thực, chấp nhận gian nan, dám hy sinh để giữ gìn nguyên vẹn tài sản của Đảng, của sự nghiệp cách mạng.
1. Từ sau khi nghỉ hưu cho đến khi qua đời, anh Ba Dũng vẫn tham gia đóng góp ý kiến cho sự nghiệp cách mạng cả nước nói chung và ngành ngân hàng nói riêng. Gần đây nhất, tháng 7-2014, với tư cách Chỉ huy phó Ban Ngân Tín R (C32), anh Ba đã tận tụy ghi chép một cách mạch lạc, cùng với anh em đồng đội báo cáo tường tận hoạt động cùng những thành tích trong kháng chiến chống Mỹ của C32. Trên 90 tuổi vẫn còn trí nhớ minh mẫn, đứng ra chủ trì làm việc với cương vị người chỉ huy, anh Ba Dũng tha thiết: “Tôi mong các đồng chí hết sức quyết tâm, cùng ghi lại những điều chúng ta làm ở chiến trường thật trung thực, đầy đủ.
Những gì C32 làm đáng được ghi nhận và em cháu trong ngành noi theo. Nhưng tôi rất sợ chúng ta làm được mà nói không hết, để rồi khi chúng ta ra đi thì những gì của C32 chúng ta cũng mang theo”.
Thời gian trực tiếp làm công tác giao nhận, vận chuyển, hối đoái và bảo quản tiền mặt tại C32 - thuộc Ban Kinh Tài Trung ương Cục Miền Nam, là thời gian anh Ba Dũng dồn tất cả trí lực cho từng đồng tiền lưu thông vào mạch máu nuôi quân cách mạng để giải phóng miền Nam. Anh Ba cùng đồng đội xông pha trên các nẻo đường mà kẻ địch kiểm soát gắt gao; thường xuyên phải tự tìm cách mở lối đi, phán đoán chính xác, dũng cảm chiến đấu trực diện để giành thắng lợi và tránh né được những trận pháo càn ác liệt của quân thù.
Anh Trần Quang Dũng kể lại: “Thời chiến, người tham gia công tác ngân tín R cũng là chiến sĩ, cần là đi, nhịp là nhảy. “Hàng” mang trên vai, tay cầm chắc súng. Những chiến sĩ thi hành nhiệm vụ giao nhận, vận chuyển, bảo quản, chế biến tiền (còn gọi hối đoái, tức đổi tiền cần dùng theo yêu cầu hoạt động) trong yêu cầu bí mật, tuyệt đối an toàn. Dù đi ghe, đi xe hay đi bộ; mặc đường xa, mặc nguy hiểm, mặc chuyên chở hàng hóa khó khăn, bất chấp đêm hay ngày, mưa hay nắng, bất kể đói khát - phải bảo vệ “hàng” đến nơi an toàn. Những chiến sĩ C32 sống thật giản dị, thiếu thốn nhưng không tham; chịu đựng gian khổ, chấp nhận hy sinh tính mạng để giữ cho thông mạch máu tiền tệ nuôi quân kháng chiến. Trong tình huống chạm trán đối đầu trên đường hay bị địch bố ráp, càn quét vào chốt cứ thì dùng mưu trí, nhanh tay, khéo léo chuyển giấu tiền, đồng thời dũng cảm, gan lì chiến đấu. Đảng viên làm nòng cốt, thanh niên hưởng ứng tích cực. Trên dưới một lòng đồng cam cộng khổ, sống chết có nhau. Nổi bật về đạo đức là “gần tiền mà không ham tiền, gần địch mà không theo địch”. Do rất hiểu địch, không chủ quan, qua từng lúc có rút kinh nghiệm để đối phó kịp thời trước tình hình ngày càng ác liệt.
Những người đồng chí cấp trên (trong đó có các đồng chí Phạm Hùng, Trần Dương, Vũ Trung Nhung) chẳng những giỏi về chuyên môn mà còn sâu sát công việc, luôn luôn theo dõi động viên, chỉ đạo kịp thời và tạo mọi điều kiện để anh em hoàn thành nhiệm vụ. Trong mọi mặt công tác, anh em chỉ tiếp nhận lệnh thi hành đúng nhiệm vụ của mình, không biết thông tin chung của toàn cục - đây là tính bảo mật. Anh em cán bộ, chiến sĩ một lòng tin tưởng và khâm phục các bậc chỉ huy chỉ đạo rất tài tình, anh em nhận lệnh làm theo đều thắng lợi.
C32 giữ tình đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng, với lực lượng quân đội địa phương. Điển hình lớn nhất là chuyến mang tiền từ Tuk Meás về căn cứ, cán bộ chỉ huy gồm có: Trần Quang Dũng (C32), Nguyễn Văn Phi, Lữ Minh Châu (N2683) đã kết hợp đánh giá tình hình trận địa chính xác, đồng lòng quyết định gấp rút thay đổi kế hoạch để chuyển hết tiền về một lần (chứ không chia 5 lần chuyển như chỉ đạo trước đó của cấp trên) để tránh trận càn khốc liệt của quân địch, chấp nhận bị xét kỷ luật. Nhờ ứng biến đúng nên anh em đã giữ được trọn số tiền và đồng chí Phạm Hùng đã ngợi khen..
Đồng đội C32 họp mặt báo cáo thành tích Ban Ngân tín R
2. Từ tháng 4-1975, đội ngũ nhân lực C32 phối hợp với một số cán bộ bổ sung đã tiếp quản thành công hầu hết bộ máy và nhân sự trong những ngân hàng của chế độ cũ, tiến đến thành lập ngân hàng quốc gia tại miền Nam.
Anh Trần Quang Dũng là người luôn biết nhận trách nhiệm về mình. Người luôn dẫn đầu khi vượt trạm, băng đồng, giữ vững tinh thần cho đồng đội lúc hiểm nguy. Người lãnh đạo chong đèn thức đến khuya chờ anh em về báo cáo tình hình để chỉ đạo giải quyết; cũng là người đi xuống đơn vị giúp đỡ đồng đội lúc đến địa bàn mới, hướng dẫn đào hầm tránh pháo, đưa anh em kết nối với bộ đội địa phương. Cũng có lúc, vì yêu cầu cấp bách, tuyệt đối bí mật, anh Ba chấp nhận việc những anh em bộ đội phối hợp tải hàng trách cứ bởi anh ra lệnh hành quân không nghỉ. Khi chứng kiến anh em tản giấu tiền tránh máy bay địch, rồi quay về kiểm đếm vẫn đủ và chính xác, anh Ba khen ngay: “Các cháu trung thành quá”. Lo lắng cho đồng đội bị tổn thương trong lúc bám địa bàn bị địch càn, sau gặp lại đồng đội an toàn, anh Ba trách yêu: “Tụi mày lì!”.
Tấm lòng của anh Ba thật chí nghĩa, chí tình.
Anh Trần Quang Dũng kính mến!
Chúng tôi còn nhớ lời anh bộc bạch: “Nếu không làm được để cấp trên thừa nhận đơn vị C32 mình thì tôi chết không yên, khó ăn khó nói với anh em đã khuất…”. Nghĩa vụ sau cùng anh Ba Dũng đã làm tròn, chỉ tiếc một điều, trong ngày lễ C32 được phong danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, C phó Trần Quang Dũng không thể có mặt cùng đồng đội đón nhận vinh dự. Bởi vì trong một tai biến bất ngờ, anh đã ngã quỵ. Anh phải chiến đấu cho sự sống của chính mình bằng khí chất của người chiến sĩ C32 anh hùng. Thời kỳ này kéo dài trên 20 tháng. Anh Trần Quang Dũng đã từ trần hồi 17 giờ 49 phút, ngày 3-9-2016 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, hưởng thọ 93 tuổi.
Nhắc đến anh Ba Dũng là nhắc về một người cán bộ tận trung, tâm huyết, suốt đời vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Anh Ba là người sống tình nghĩa, thủy chung và cũng là người chiến sĩ, người chỉ huy mưu trí, dũng cảm trong ngành kinh tài.
Anh Ba ơi, chúng tôi viết những dòng này cùng với nén hương thơm dâng lên để tiễn biệt anh. Mong anh yên nghỉ nghìn thu!.
Xuất thân từ một gia đình bần nông tại xã Thạnh Lợi, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, là thanh niên giàu lòng yêu nước, ở lứa tuổi đôi mươi, đồng chí Trần Quang Dũng đã tích cực dấn thân tham gia cách mạng. + Từ tháng 9-1945 đồng chí là Ủy viên Ban chấp hành Thanh niên và là Tiểu đội trưởng tự vệ xã Thắng Lợi, huyện Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ. Đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1946. Từ tháng 2 đến tháng 11-1947 đồng chí là thư ký Ủy ban Quân sự huyện Ô Môn, Cần Thơ. Đến tháng 12-1947 là chính trị viên huyện Châu Thành; Phó Chánh văn phòng Tỉnh đội Cần Thơ, Phó giám đốc Trường Quân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng Đại đội 1888 - Cần Thơ. + Tháng 11-1954 đồng chí tập kết ra Bắc, ở E2 miền Tây; chuyển ngành về Cục Vật tư - Bộ Công nghiệp, là cán bộ tổng hợp. + Tháng 9-1962 đến tháng 4-1975: đồng chí được điều động về miền Nam, công tác tại Ban Kinh tài R. Tại đây đồng chí trải qua các chức vụ: Cán bộ phụ trách bộ phận tổng hợp kế hoạch B3; B trưởng B4 (lương thực); B trưởng B34 (kho bạc); C phó C32 - tức Ban Ngân tín R. + Tháng 5-1975 đến tháng 2-1992, đồng chí là Phó ban tiếp quản hệ thống ngân hàng chế độ cũ ở Sài Gòn; được giao phụ trách Phát hành và Kho quỹ, Phó văn phòng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại TPHCM; là thừa ủy nhiệm Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước tại khu vực phía Nam, Trưởng ban trù bị thành lập Đảng ủy khối ngân hàng TPHCM và giải quyết một số công việc ở các tỉnh phía Nam; Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Công thương. + Tháng 2-1992 đồng chí nghỉ hưu trí, sống tại TPHCM. |
Tiến sĩ LÊ THỊ NGỌT
(Nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,
nguyên Bí thư Đảng ủy khối Ngân hàng TPHCM)