Các cuộc biểu tình tại 170 thành phố của Mỹ, trải dài từ New York đến Los Angeles, tiếp tục kéo dài sang ngày thứ hai sau khi bồi thẩm đoàn tại thành phố Ferguson, bang Missouri, tha bổng viên cảnh sát da trắng Darren Wilson trong vụ bắn chết thanh niên gốc Phi Michael Brown (18 tuổi) vào ngày 9-8.
Theo AP, Thống đốc bang Missouri Jay Nixon ngày 26-11 đã ra lệnh điều thêm 2.000 vệ binh quốc gia tới Ferguson để phối hợp cùng cảnh sát trấn áp các vụ bạo loạn.
Cùng lúc đó, nhiều nước trên thế giới cũng đã có phản ứng về vụ việc. Đại diện Bộ Ngoại giao Nga phụ trách vấn đề nhân quyền Konstantin Dolgov cho rằng các cuộc biểu tình bạo động đang diễn ra ở Ferguson cho thấy tình trạng phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Tình trạng phân biệt chủng tộc, căng thẳng sắc tộc và chủng tộc là những thách thức lớn đối với nền dân chủ Mỹ, sự ổn định và sự hòa nhập của xã hội Mỹ. Mỹ nên nghiêm túc đối phó với những thách thức nghiêm trọng trong lĩnh vực nhân quyền ở ngay đất nước của mình và ngừng ngay việc đóng vai người thầy giảng dạy các nước đáp ứng tiêu chuẩn nhân quyền.
Cao ủy nhân quyền của LHQ Zeid Al-Hussein đã bày tỏ quan ngại trước làn sóng biểu tình đang diễn ra ở Ferguson và nhiều nơi khác trên đất Mỹ. Ông Hussein còn bày tỏ mối quan ngại với con số đáng kể người da màu bị giết trong các cuộc chạm trán với cảnh sát và bị giam trong các nhà tù của Mỹ. “Tình trạng thiếu lòng tin vào sự công bằng của hệ thống tư pháp và thực thi pháp luật tại Mỹ ngày càng sâu rộng”, ông Hussein nói. Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 25-11 đã lên án tình trạng bạo lực ở Ferguson. Phát biểu tại Chicago, ông Obama nói: “Việc phóng hỏa các tòa nhà, đốt cháy xe cộ và phá hủy tài sản đang đặt người dân vào tình trạng nguy hiểm. Không thể biện minh cho điều này”, đồng thời yêu cầu khởi tố những người tham gia thực hiện các hành vi mà ông cho là “phạm pháp” này. Ông Obama bày tỏ sự cảm thông đối với những nhóm người thiểu số cho rằng luật pháp đã không được thực thi một cách nhất quán và công bằng.
Những gì xảy ra tại Ferguson không phải là mới. Những vụ việc tương tự đã xảy ra nhiều lần ở nhiều nơi trên đất nước Mỹ mà kết quả cuối cùng đa phần nghiêng về thiên vị cảnh sát da trắng. Vụ gần đây nhất là vụ thanh niên người da màu Trayvon Martin (17 tuổi), bị cảnh sát da trắng George Zimmerman bắn chết vào ngày 26-2-2012.
Theo số liệu của Bộ Tư pháp Mỹ, từ năm 2003 đến 2009, đã có 4.813 người chết trong tổng số 97,9 triệu vụ bắt giữ do cảnh sát tiến hành ở 48 bang của Mỹ. Theo số liệu của Phong trào hoạt động chống phân biệt chủng tộc Malcolm X Grassroots, cảnh sát, bảo vệ và lực lượng dân quân tự vệ đã giết 313 người Mỹ gốc Phi trong năm 2012, có nghĩa là cứ mỗi 28 giờ có 1 người Mỹ gốc Phi bị các lực lượng này sát hại. Ngoài ra, cũng theo thống kê của phong trào này, trong khi người Mỹ gốc Phi chiếm 13,1% dân số Mỹ thì số người Mỹ gốc Phi bị giam trong các nhà tù chiếm gần 40% tổng số tù nhân.
KHÁNH MINH