Đọc thư Hà Nội của anh, anh không viết cho tôi, là người tên T., nhưng tôi mạn phép được vài dòng hồi âm cho anh, kể về những kỷ niệm đẹp của mình.
Quê tôi ở Quảng Ngãi, Liên khu 5. Tôi tập kết ra Bắc vào tháng 3-1955 và may mắn về công tác ở thủ đô Hà Nội. Tôi sống và công tác tại Hà Nội trọn 20 năm (1955 - 1975). Sau giải phóng hoàn toàn đất nước tôi được điều động vào TPHCM. Ở TPHCM tôi vẫn cứ luyến nhớ Hà Nội. Cứ mỗi lần nghe những bài hát về Hà Nội, lòng tôi bồi hồi xúc động, nhớ Hà Nội da diết. Bởi vì Hà Nội đã để lại trong tôi bao nhiêu hình ảnh đẹp như nỗi lòng nhạc sĩ Hoàng Hiệp: “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội”. Đúng vậy, quên làm sao được mặt hồ Gươm lung linh mây trời, sóng nước hồ Tây lấp lánh mênh mông, Công viên Thống Nhất, Công viên Tú Lệ hữu tình và thơ mộng, là nơi hội tụ của mọi lứa tuổi vào những ngày chủ nhật và những ngày lễ.
Sau ngày giải phóng thủ đô, miền Bắc đã tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hà Nội cũng như toàn miền Bắc không còn tình trạng người bóc lột người từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Công nhân làm chủ xí nghiệp, nông dân làm chủ ruộng đồng, không còn địa chủ, không còn tư bản. Mọi người đều có việc làm, không có người thất nghiệp. Tiền lương không cao do đất nước còn nghèo và do chiến tranh tàn phá, nhưng đời sống nhân dân được đảm bảo, khoảng cách giai tầng xã hội không còn. Quan hệ giữa người và người bình đẳng, công bằng. Công nhân vào xí nghiệp, có nhà ở tập thể, không còn tình trạng sống chui nhủi, nằm sắp lớp trên nền nhà thuê. Sinh viên vào trường đại học, có ký túc xá; khi tốt nghiệp, nhà nước phân công công tác, không phải tự đi xin xỏ, lo lót.
Tôi nhớ Hà Nội, lúc bắt đầu công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa cũng là lúc nạn trộm cắp bị đẩy lùi, đường phố trở nên hiền hòa, rất hiếm công an đứng đường làm nhiệm vụ, người ta tự giác nhường đường trong giao thông. Ở nông thôn, người ta không dùng cửa và không có kẻ trộm, mà chỉ có tấm rèm ngăn chặn ruồi, muỗi mà thôi.
Tôi cũng còn nhớ mãi hình ảnh cán bộ nhân viên các cơ quan trung ương và Hà Nội đi đắp đê Mai Lâm và đào sông Bắc – Hưng – Hải. Họ lao động rất nặng nhọc nhưng tinh thần hồ hởi, phấn chấn. Còn ngày Chủ nhật lao động xã hội chủ nghĩa cũng thật khó quên. Cứ đến ngày Chủ nhật, các đội lao động từ các cơ quan kéo đến hồ Bảy Mẫu đào đất để xây dựng Công viên Thống Nhất, kéo đến Voi Phục (Cầu Giấy) để xây dựng Công viên Tú Lệ. Chỉ trong vòng vài năm, Hà Nội có Công viên Thống Nhất và Công viên Tú Lệ, nơi hội tụ mọi lớp người, tạo nên môi trường sạch đẹp cho thủ đô. Tôi cứ vương vấn mãi hình ảnh về thủ đô như thế từ ngày vào Nam.
Kính thư!
Nguyễn Tấn Hồng