Nhọc nhằn mưu sinh

Giữa cái nắng trưa như thiêu đốt, chị Lê Thị Tốt (46 tuổi) vẫn lầm lũi đẩy xe đi mua ve chai. Chiếc xe cũ kỹ chứa đầy những thứ người khác bỏ đi nhưng lại là “tài sản” của chị. Nhờ có nó, 3 đứa con và người chồng bệnh tật của chị mới có chén cơm lót lòng. Quê chị ở tận vùng đất miền Trung (Quảng Ngãi) đầy nắng và gió. Cuộc sống quê nghèo khó khăn, nên chị phải gạt nước mắt để lại 3 đứa con cùng 4 sào ruộng cằn cỗi cho chồng rồi trôi dạt vô Nam kiếm sống, để tìm chút tiền còm gửi về quê cho chồng nuôi con. Đã 5 năm, kể từ ngày tha hương, chỉ một lần chị quay về quê sum vầy cùng gia đình trong ba ngày tết, những năm còn lại, chị đành lỗi hẹn với chồng con vì không có tiền. “Năm nay, mấy người thuê nhà chung với tôi đều về quê, còn tôi thì…”, chị Tốt rưng rưng nước mắt không nói được hết câu. Lại một năm nữa chị xa chồng con.

Tại một công trình xây dựng tại quận Gò Vấp (TPHCM), cật lực đẩy chiếc xe rùa chở đầy vôi vữa, anh Trần Văn Khiển liên tục lấy tay lau những giọt mồ hôi lăn trên đôi gò má đen sạm. Anh Khiển tâm sự: “Cuộc sống còn khó khăn nên đến giáp tết, tôi vẫn cố làm thêm để kiếm tiền mua cho con tấm áo mới”. Vợ mất khi vừa sinh đứa con thứ hai, một mình anh vừa làm cha vừa làm mẹ chăm nuôi hai con nhỏ. Làm quần quật cả ngày nhưng vẫn không đủ tiền nuôi con. Chưa có năm nào cha con anh được hưởng một cái tết đầy đủ và trọn vẹn. “Tết năm nay đã hứa với hai đứa con là sẽ về quê ăn tết và mua cho con mấy bộ quần áo mới cho bằng bạn bằng bè. Thế nhưng, tới giờ tôi chỉ mới dành dụm được một ít tiền. Vài bữa nữa tranh thủ đi mua ít đồ dùng gửi về cho con, riêng lời hứa đoàn viên, tôi đành hẹn lại năm sau”, anh Khiển chia sẻ.

Ngoài anh Khiển, nhiều công nhân xây dựng ở công trường này cũng có chung hoàn cảnh, dù tết đã đến rất gần nhưng chưa một ai nhắc đến. Với họ, tết là những lo toan, gánh nặng cơm áo gạo tiền. Họ chỉ biết cùng nhau làm việc, những bàn tay thoăn thoắt đánh hồ, đẩy xe gạch càng lúc càng gấp gáp và những người thợ lớn tuổi thi thoảng lại thở dài vì tết gần đến họ lại càng lo lắng hơn. “Nhà tôi chưa có gì gọi là tết cả, vợ và con ở nhà đang lo cấy cho xong mấy sào ruộng. Cũng may ở đây chủ thầu cho làm thêm buổi tối để kiếm thêm thu nhập, chứ không tôi cũng không biết kiếm đâu ra tiền cho con gái nhập học khi ăn tết xong”, một công nhân bùi ngùi cho biết.

Cùng chung cảnh tha hương nhưng chị Trần Thị Hương (49 tuổi, quê ở Quảng Nam) đang thuê nhà ở phường Thạnh Lộc (quận 12, TPHCM) lại rất lạc quan, dù chị có thâm niên gần 20 năm kiếm sống xứ người. Gặp chúng tôi, chị kể: Ngày đầu đặt chân vào TPHCM, có ít đồng vốn, chị Hương ra chợ đầu mối mua trái cây về bán dạo. Sáng quẩy gánh đi, chiều trở về phòng trọ nhưng gánh hàng vẫn chưa vơi được bao nhiêu. Để bán được, chị phải đi nhiều hơn và xa hơn. Cuộc sống nhọc nhằn cùng nỗi nhớ gia đình khiến chị già đi nhiều so với tuổi. Ngược lại, càng đi chị có thêm nhiều mối quen và hàng bán được cũng nhiều hơn. Bao nhiêu tiền tích cóp được, chị gửi hết về quê. Từ những đồng tiền chắt chiu này, bốn đứa con chị lớn dần và được đến trường đàng hoàng. “Hai đứa đầu đã lấy chồng, lấy vợ sinh sống ở quê. Hai đứa nhỏ đang theo học cao đẳng và đại học ở TPHCM. Ráng làm thêm vài năm nữa để lo cho 2 đứa học ra trường, chị sẽ về quê ở hẳn. Hai vợ chồng cứ như “Ngưu Lang Chức Nữ” đã gần 20 năm rồi”, chị Hương cười giòn mà nước mắt lưng tròng.

Xuân Bính Thân đã đến rất gần, ước mơ đơn giản của họ mỗi độ xuân về là được sum vầy bên gia đình, lắng nghe tiếng con trẻ rộn rã ca bài ca “Tết đoàn viên”. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh riêng, vẫn còn rất nhiều người không được hưởng niềm vui tưởng chừng rất đơn giản ấy.

ĐỨC THANH

Tin cùng chuyên mục