Nhộn nhịp xây nhà nuôi chim yến

Xây nhà “dụ” chim yến
Nhộn nhịp xây nhà nuôi chim yến

Nhiều năm nay, chim yến về ĐBSCL ngày một nhiều. Nhiều người dân ở Bạc Liêu, Gò Công, Hà Tiên... bắt đầu tính chuyện kinh doanh “lộc trời ban tặng” bằng cách xây nhà “dụ” chim yến về làm tổ.

Nuôi chim yến trong nhà. Ảnh: T.TIÊN

Nuôi chim yến trong nhà. Ảnh: T.TIÊN

Xây nhà “dụ” chim yến

Cứ vào sáng sớm hay chiều tối, ở TP Bạc Liêu, Rạch Giá, TX Hà Tiên, Kiên Lương (Kiên Giang), xã Long Bình, thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang), huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau)... chim kéo về bay lượn rợp trời. Trong số này, ngoài chim én, loài chim báo hiệu mùa xuân về, còn có loài chim yến cho tổ yến có giá trị kinh tế cao.

Tại TP Rạch Giá, chim yến xuất hiện mỗi năm một nhiều kể từ sau cơn bão số 5 (vào năm 1997). Điểm tập kết đầu tiên của loài chim này là Trung tâm văn hóa tỉnh. Ban đầu, nhiều người nghĩ, do sự thay đổi của khí hậu, chim yến chỉ về đất liền trong thời gian ngắn rồi đi. Nhưng những năm sau đó, chim yến không bỏ đi như nhiều người nghĩ mà kéo nhau về làm tổ trong khu vực Trung tâm văn hóa tỉnh ngày một nhiều hơn. Và đến khi khuôn viên Trung tâm văn hóa tỉnh đã quá chật chội thì chúng di tản sang làm tổ ở các nhà dân lân cận. Ở Hà Tiên, Gò Công, chim yến cư ngụ trong nhà dân rất nhiều. Năm 2004, một đàn yến không rõ từ đâu đã bay về cư ngụ trên nóc nhà của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu. Ban đầu, chỉ có vài chục con, đến nay đã tăng lên hàng ngàn con yến trú ngụ, làm tổ không đếm xuể.

Trước tình trạng trên, nhiều hộ dân đua nhau xây nhà “dụ” chim yến về xây tổ. Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng, tại Kiên Giang, hiện có khoảng 20 căn nhà, tập trung chủ yếu ở khu lấn biển Rạch Giá được gia chủ “cất” dành riêng cho chim yến. Ông Bùi Đình Thủy (khu lấn biển Rạch Giá, Kiên Giang) ban đầu định cất nhà 1 trệt, 3 lầu để ở. Nhưng thấy chim yến xuất hiện nhiều, ông Thủy dành luôn ngôi nhà này cho chim yến làm tổ. Tại Bạc Liêu, người nuôi chim yến thành công là ông Bành Văn Đằng (phường 1, TP Bạc Liêu). Ông Đằng tận dụng sân thượng nhà ở, đầu tư thêm khoảng 80 triệu đồng mua máy phát tín hiệu âm thanh, máy phun sương để tạo độ ẩm làm nơi cho chim yến xây tổ. Hiện tại, đàn yến của ông Đằng phát triển gần 2.000 con, cho hàng trăm tổ yến, hứa hẹn một kết quả khả quan cho kinh tế gia đình từ tổ yến mang lại.

“Táo bạo” nhất là dự án nuôi chim yến trong nhà kết hợp với dịch vụ du lịch của ông Quách Văn Tòng, Việt kiều Malaysia, đầu tư vào Bạc Liêu năm 2007. Công ty được thành lập với tổng vốn đầu tư 48 tỷ đồng và được giao 4.000m2 đất để triển khai 3 mô hình nuôi chim yến tại Bạc Liêu gồm: Khu địa ốc ở phường 1, Khu công viên văn hóa Trần Huỳnh ở phường 7 và Khu hãng nước mắm Tân Hương ở phường 8.

Vẫn là... tự phát

Theo ngành hữu quan, vùng đất nam đèo Hải Vân trở vào Nam có khí hậu ấm, rất thích hợp cho loài chim yến làm tổ và phát triển. Nghề nuôi yến trong nhà phát triển tại các địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Thời gian gần đây, nghề nuôi chim yến phát triển mạnh ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, như: Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.

Hiện nay, theo ước tính của các đơn vị chức năng, số hộ nuôi yến lấy tổ tính từ Đà Nẵng đến Kiên Giang có khoảng 300-400 nhà. Theo thông tin từ Viện Sinh học nhiệt đới (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), một căn nhà nuôi chim yến phải có từ 300 con chim trở lên và phải mất 2-3 năm sau khi nhà nuôi chim đi vào hoạt động mới có thể đánh giá mức độ thành công. Theo tính toán chung, 1.000 con yến có thể làm 400 tổ/mùa, mỗi tổ chỉ thu được 10 gam yến sào.

Theo kinh nghiệm của ông Lê Danh Hoàng, người khai thác thành công tiềm năng nghề nuôi chim yến ở Việt Nam với thương hiệu Hoàng Yến Eka - Trên lý thuyết căn nhà rộng 300m2 có thể đạt được 50 kg tổ yến/năm, nhưng thường khoảng 10 năm sau mới có thể đạt được mức này. Nhưng nếu trong 2-3 năm đầu, mỗi tháng thu hoạch được khoảng 2 kg tổ yến là đã thành công. Để có được mức đó, đàn chim trong nhà phải đạt khoảng 2.500 con chim yến. Tuy nhiên, ông Hoàng cảnh báo đã có nhiều trường hợp xây nhà dụ yến về làm tổ rồi đóng cửa bỏ đó vì số lượng chim yến về làm tổ không đạt bởi nếu tiếp tục duy trì sẽ lỗ nặng.

Các địa phương đang nghiên cứu phát triển nghề nuôi này nhằm tận dụng “lộc trời ban”. Thế nhưng, hiện nay đa số các hộ nuôi yến đều “học lóm” do vậy nghề nuôi chim yến hiện còn mang tính tự phát đang rất cần được các nhà khoa học tham gia. Bởi ngoài chi phí đầu tư cao, theo nhận định của các chuyên gia, việc nuôi nhỏ lẻ và thiếu kỹ thuật sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro, trong khi đây là nguồn lợi thiên nhiên có thể mang thu nhập cao cho người dân.

T.Nguyễn – H.Sử

Tin cùng chuyên mục