Nhu cầu vàng thế giới tiếp tục tăng

Hội đồng Vàng thế giới (WGC) vừa công bố báo cáo cho thấy nhu cầu của thế giới đối với kim loại quý này trong năm 2022 đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2011.

Đà tăng liên tiếp

Nhu cầu vàng tiếp tục tăng là do các ngân hàng trung ương tăng cường mua vào, trong khi các nhà đầu tư tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn do lo ngại những bất ổn bởi lạm phát.

Theo kênh CNN Market, giá vàng thế giới tăng trong phiên 1-2 ghi dấu tháng tăng thứ ba liên tiếp do đồng USD yếu và những kỳ vọng về Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất. Giá vàng giao ngay tăng 0,3%, lên 1.928,81 USD/ounce. Giá vàng đã tăng 5,7% trong tháng 1.

Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 0,3%, lên 1.945,3 USD/ounce. Đồng USD giảm tháng thứ tư liên tiếp, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ các đồng tiền khác.

Dự kiến, FED sẽ đưa ra quyết định về chính sách lãi suất vào sáng 2-2, sau đó là cuộc họp báo của Chủ tịch FED Jerome Powell. Giới kinh doanh dự báo FED sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản, lên khoảng 4,5%-4,75% và kỳ vọng lãi suất sẽ đạt đỉnh 4,9% vào tháng 6.

Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự kiến tăng lãi suất 50 điểm cơ bản. Phillip Streible, nhà chiến lược thị trường hàng đầu tại Blue Line Futures ở Chicago, cho rằng, giá vàng có khả năng sẽ biến động.

Trong khi đó, báo cáo của WGC cho thấy nhu cầu vàng năm 2022 đã tăng vọt gần 20%, lên hơn 4.740 tấn so với 1 năm trước. Lượng vàng mua vào của các ngân hàng trung ương đã tăng hơn 2 lần, lên 1.136 tấn - cao nhất trong hơn 50 năm qua do bất ổn địa chính trị tại Ukraine đã làm lạm phát gia tăng nhanh chóng. Nhà phân tích Louise Street thuộc WGC khẳng định, vàng vẫn luôn có giá trị và thực tế kim loại quý này luôn là một loại tài sản có sức hút trong thời kỳ khủng hoảng.

Người dân Ấn Độ mua vàng trang sức

Người dân Ấn Độ mua vàng trang sức

WGC nhận định, trong năm 2023, nhu cầu vàng có sự đan xen tăng, giảm, song xu hướng tăng vẫn chiếm ưu thế. Tính cả năm 2022, giá trị của vàng tăng 1,25%. Số liệu này cũng cho thấy sự thay đổi trong chính sách về vàng của các ngân hàng trung ương thế giới kể từ những năm 1990 và 2000, khi mỗi năm họ bán ra hàng trăm tấn kim loại quý này.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, các ngân hàng châu Âu đã ngừng bán vàng và ngày càng nhiều nền kinh tế mới nổi như Nga, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ mua vào. Các ngân hàng trung ương chuộng vàng vì kim loại quý này có thể duy trì giá trị trong những giai đoạn biến động. Ngoài ra, khác với tiền tệ hay trái phiếu, vàng không phụ thuộc vào bất cứ bên phát hành hay chính phủ nào.

Giảm rủi ro suy thoái

Cùng ngày, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã điều chỉnh theo hướng tăng nhẹ dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 do nhu cầu phục hồi bất ngờ tại Mỹ và châu Âu, chi phí năng lượng giảm và nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại sau khi dỡ bỏ các hạn chế về Covid-19.

Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới của IMF, tăng trưởng toàn cầu vẫn sẽ giảm từ mức 3,4% năm 2022 xuống 2,9% năm 2023. Mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu mới nhất này cao hơn so với dự báo đưa ra hồi tháng 10-2022 là 2,7% với cảnh báo thế giới có nguy cơ dễ rơi vào suy thoái.

Người dân Thái Lan mua vàng tại một tiệm vàng ở Bangkok

Người dân Thái Lan mua vàng tại một tiệm vàng ở Bangkok

IMF cho biết thêm, kinh tế thế giới năm 2024 có thể sẽ tăng nhẹ lên 3,1% nhưng vẫn thấp hơn so với dự báo đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái do tác động toàn diện của việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất mạnh hơn làm chậm nhu cầu.

Nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas cho rằng, rủi ro suy thoái đã giảm bớt và các ngân hàng trung ương đang đạt được tiến bộ trong việc kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, các thể chế này vẫn cần nỗ lực nhiều hơn nữa để kiềm chế giá cả, giảm thiểu tác động của nguy cơ gián đoạn mới có thể xảy ra do xung đột tại Ukraine và ảnh hưởng dịch Covid-19 tại Trung Quốc.

Tin cùng chuyên mục